"Tại sao nữ sinh đi học phải mặc áo dài?" - Đó là câu hỏi của hầu hết bạn gái đã hoặc chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa phổ thông. Ở một trường PTTH có biết bao học sinh nữ với nhiều ngoại hình khác nhau: gầy, béo, cao, thấp... chiếc áo dài đã trở thành chuyện đáng nói.
Với những bạn có dáng thon thả thì rất thích hợp với áo dài, còn với những bạn béo thấp thì việc mặc áo dài quả là một cực hình. Các bạn phát biểu: "Tớ mập thế này, không biết mặc áo dài vào sẽ ra sao nữa? Chắc ghê lắm!". Hay: "Tớ lùn, chắc chiếc áo dài của tớ sẽ bé tý và trông tức cười lắm...". Với những bạn như thế, mặc áo dài không những không đẹp mà còn bị bạn bè trêu chọc.
Có một chuyện mà tất cả bạn gái đều quan tâm và khổ sở. Vào những "ngày ấy", khi đi học phải mặc trên người một chiếc áo dài trắng thì thật đáng lo sợ. Nếu không may nó có thể "điểm" thêm màu sắc cho bộ áo trắng tinh của chúng ta. "Lúc ấy sẽ cực kỳ ngượng và xấu hổ lắm", bạn B. nói.
Không những thế, vào những ngày trời mưa, đường lầy lội sẽ làm bẩn hết áo dài và màu trắng sẽ dễ bị dây bẩn. Ngoài ra, mặc chiếc áo dài, nữ sinh khó có thể vận động, chạy nhảy thoải mái và trong những tháng nóng nực thì mặc áo dài càng làm nóng bức và dẫn đến mệt mỏi.
Ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển trên thế giới, trang phục đi học là tự do. Các học sinh, sinh viên chỉ cần mặc quần áo sạch sẽ, gọn gàng, lịch sự là được.
Tuy thoải mái về cách ăn mặc nhưng nền giáo dục của họ rất tiên tiến, họ không quan tâm đến bề ngoài mà chỉ cần chất lượng học tập.
Từ xưa đến nay, áo dài là một nét truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Người ta luôn mặc nó trong những dịp lễ hội, Tết... nhưng việc áo dài vào trường học chưa được xem xét kỹ.
Những lý do dẫn đến sự bất cập này tôi đã nêu ở trên. Vì mặc áo dài vướng víu nên các bạn nữ sinh đã cột lại hoặc xăn lên để vận động, làm việc cho dễ dàng. Thế thì còn đâu chiếc áo dài truyền thống?
Với lại, không phải gia đình nào cũng đủ tiền may cho con mình vài bộ áo dài để đi học, vì để sắm một chiếc áo dài phải cần ít nhất 150.000 đồng/bộ (tiền vải và công may).
Bạn L. phát biểu: "Tớ thấy bộ đồng phục áo trắng - quần xanh rất đẹp, hay những bộ váy trông rất dễ thương và rất tiện lợi, thoải mái. Vậy tại sao lại cứ phải mặc áo dài cơ chứ?".
Quả đúng vậy, bạn cứ đến TP.HCM và vào Trường Lê Quý Đôn, các nữ sinh nhanh nhẹn trong những chiếc váy trông rất hồn nhiên. Hỏi ra các bạn ấy rất thích mặc những chiếc váy này vì nó gọn, nhẹ lại cực kỳ dễ thương.
Giá một bộ váy rẻ hơn một bộ áo dài, nhiều nhất cũng chỉ 130.000 đồng/bộ. Nhất là khi đồng phục váy và áo do nhà trường đặt may, khỏi tốn công phụ huynh tất bật đi mua vải, tìm thợ để đặt may cho con mình một bộ áo dài vừa ý.
Tuy có một số bạn bảo rằng: "Mặc áo dài coi cũng đẹp và duyên dáng lắm", nhưng đa số nữ sinh đều thấy bất tiện. Bộ GD-ĐT cũng như các trường PTTH nên xem lại vấn đề này.
Thay vì mặc đồng phục áo dài theo truyền thống, các trường nên nâng cao việc giáo dục và gia tăng luyện tập, thực hành thì hơn. Như thế các học sinh mới cảm thấy thoải mái, dễ tiếp thu bài vì vừa dễ chịu với cách ăn mặc vừa dễ hiểu với phương pháp "học đi đôi với hành"...
(Theo Thanh niên)
▪ Yêu cầu tác giả giải trình về sai sót sách Vật lý (06/09/2005)
▪ Cả nước tưng bừng khai "hội" năm học mới (05/09/2005)
▪ Đề thi ở ĐH Đà Lạt bị bán ra ngoài (06/09/2005)
▪ 2.040 HS nghèo học giỏi nhận học bổng (06/09/2005)
▪ Trúng tuyển NV1 làm sao xét tuyển NV2? (05/09/2005)
▪ HS tiếp thu đến đâu, dạy đến đấy (05/09/2005)
▪ Học bổng đầu bếp quốc tế tại Singapore (05/09/2005)
▪ Du học sinh Úc tổ chức Lễ hội văn hoá Việt Nam (05/09/2005)
▪ Điểm cao NV2 vào trường công lập? (04/09/2005)
▪ Nhiều trường THCN tại TP.HCM tiếp tục xét tuyển đợt 2 (04/09/2005)