HS tiếp thu đến đâu, dạy đến đấy
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai trong "vòng vây" của học sinh |
Năm học 2005-2006, việc thay sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học sẽ được "cuốn chiếu" đến lớp 4. Sau 3 năm thực hiện thay sách, đã nảy sinh nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Đặng Huỳnh Mai, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:
* Tại Hội nghị tổng kết năm học 2004-2005 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cho biết từ năm học mới sẽ giảm tải 15% chương trình tiểu học. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể vấn đề này?
- Bộ có quy định, giảm tải 15% chương trình bằng phân phối chương trình, tức là giao thời gian để giáo viên thực hiện. Không quy định từng tiết học mà giáo viên sẽ căn cứ theo khả năng của học sinh mà có cách điều chỉnh cụ thể.
Thực ra, phân phối chương trình kiểu như vậy giáo viên sẽ rất nhàn, nhưng học trò lại khổ. Đôi khi gò ép giáo viên bằng cách quy định quá chi tiết từng giờ học làm cho giáo viên thụ động, chỉ có mỗi một nhiệm vụ chạy theo chương trình chứ không làm được cái cần cho trẻ.
Phân phối chương trình mới chỉ quy định, ví dụ, học sinh lớp 1 là phải đọc được, viết được. Do đó phân phối chương trình lại là dạy theo khả năng tiếp thu của học sinh để cái đích cuối cùng là đạt được kiến thức. Học sinh học đỡ căng thẳng. Giáo viên được chủ động trong giảng dạy. Có thể coi đây là cuộc cách mạng của giáo dục tiểu học, phải dũng cảm lắm mới dám “xông vào” vì phải chấp nhận một sự thật là có quá tải ở một số nơi, một bộ phận học sinh, giáo viên.
Giảm tải thứ hai là Bộ đang xây dựng mô-đun bồi dưỡng giáo viên, nhưng không để việc bồi dưỡng gây nên áp lực lớn đối với giáo viên.
* Như vậy có thể hiểu giảm tải không có nghĩa là cắt xén chương trình?
- Đúng như vậy. Giảm tải là dạy hoàn toàn theo khả năng của học sinh, không phải giảm 15% chương trình theo "kiểu cơ học", bởi như thế những học sinh giỏi sẽ học cái gì? Cách dạy nhàm chán của giáo viên cũng gây nên sự quá tải chứ không phải dạy nhồi nhét mới là quá tải.
* Đổi mới chương trình, SGK tiểu học cũng đồng nghĩa với việc thay đổi tư duy và phương pháp dạy của giáo viên. Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá của mình sau 3 năm thực hiện thay sách ở bậc tiểu học?
- Việc đổi mới phương pháp dạy học là vô cùng cần thiết, bởi nếu không có một cách dạy sinh động, hấp dẫn thì 5 tiết dạy sẽ vô cùng nặng nề cho cả người học và người dạy. Tuy nhiên, chúng ta chưa thực hiện được việc này đồng bộ, còn một bộ phận khá lớn giáo viên chưa thực sự đổi mới phương pháp dạy học.
Về nội dung, còn một số vấn đề về chương trình, SGK. Quan điểm của chúng tôi là sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp xây dựng để chương trình ngày càng hoàn thiện, sát với thực tiễn hơn.
Về đánh giá học sinh, tôi xin nhắc lại một lần nữa, chúng tôi đánh giá học sinh là đánh giá kết quả học tập (nghĩa là các em học được cái gì và thể hiện được điều đó như thế nào) của các em, chứ không phải đánh giá học sinh A, B học giỏi hay học kém. Tỷ lệ học sinh giỏi ở bậc tiểu học rất cao, và dư luận đặt câu hỏi, có phải học sinh giỏi hiện nay quá nhiều không? Phải thêm vào một câu, học sinh giỏi chứ chưa có gì là tính sáng tạo thể hiện tài năng của đứa trẻ ở đây.
Đánh giá là để nhìn nhận lại việc giáo dục của chúng ta đối với trẻ đã tốt chưa, cần giáo dục cho đứa trẻ cái gì chứ không phải chỉ có một mục đích đánh giá xem trẻ tốt hay xấu.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Theo Thanh Niên
▪ Cả nước tưng bừng khai "hội" năm học mới (05/09/2005)
▪ Trúng tuyển NV1 làm sao xét tuyển NV2? (05/09/2005)
▪ Du học sinh Úc tổ chức Lễ hội văn hoá Việt Nam (05/09/2005)
▪ Điểm cao NV2 vào trường công lập? (04/09/2005)
▪ Nhiều trường THCN tại TP.HCM tiếp tục xét tuyển đợt 2 (04/09/2005)
▪ Cần 6.621 tỉ đồng phát triển giáo dục mầm non (04/09/2005)
▪ Giảm tải chương trình, hạn chế tiêu cực mùa thi (04/09/2005)
▪ Viết lại sách giáo khoa vì sai quá nhiều (02/09/2005)
▪ Ban hành chuẩn để "sàng lọc" giáo viên (02/09/2005)
▪ Long đong tìm nhà trọ (03/09/2005)