'Quái chiêu' săn điểm của học trò
Các Website khác - 16/10/2008

Cách phổ biến nhất của các "thợ săn" là “canh me" ở tiệm photocopy gần nhà giáo viên bộ môn hay phòng photo của trường, nơi khả năng lộ đề cao nhất.

Không phải đi vào rừng săn thú, hay lên mạng săn hàng độc, không ít teen đang trở nên khá khẩm (về điểm số) khi nghĩ ra cách săn... đề kiểm tra.

Từ việc vô tình "vớ" được đề

Nhiều trường ở Quảng Nam hiện nay, hầu hết các đề kiểm tra một tiết, kiểm tra giữa kì đều được thầy cô đánh máy, photocopy rồi phát cho học sinh. Nhưng số trường được trang bị máy photocopy không nhiều, chính vì thế thầy cô phải photo ở tiệm, quán bên ngoài, và đây là cơ hội cho những “thợ săn” đề hoạt động.

Nhà của Tú (lớp 11 THPT T. C.V, TP Tam Kỳ) mở tiệm photocopy khá gần trường học. Một lần tình cờ phụ người nhà photo cho khách, anh chàng phát hiện cô giáo dạy Địa với xấp đề kiểm tra vừa photo xong. Chờ cô đi khỏi, chỉ với một thao tác nhanh gọn trên máy, Tú đã có ngay đề kiểm tra một tiết của lớp mình.

Lộc (lớp 11 THPT T.Q.C) kể: “Bữa nọ, mình vô phòng photo của trường tìm thầy chủ nhiệm, tình cờ tia được xấp đề kiểm tra Anh văn ghi chú thích dành cho lớp mình, mình học Anh cực ẹ, nên thó một tờ về cho đứa bạn chỉ giúp. Nhờ lần đó mà điểm Anh lên được mấy nấc”.

Còn cô bạn Trà My (cựu học sinh THPT T.La) thì có người nhà làm trong một tiệm photocopy khá thân thiết với các trường học. Sức học của My cũng tầm tầm, nhưng bạn bè thường mắt tròn mắt dẹt khi điểm kiểm tra các môn thi trắc nghiệm (những môn này đề thường được photo) của cô bạn long lanh đến bất ngờ. Chỉ sau này, khi đã ra trường, Trà My mới “hé lộ” bí mật.

Từ những lần tình cờ "quả thị" đề thi rơi vào bị... teen, một số bạn “ăn quen”, bắt đầu vắt óc nghĩ cách đi tìm “điểm thơm” mà khỏi mất công học bài.

Thợ săn chuyên nghiệp

Cách phổ biến nhất của những “thợ săn” này là “canh me” ở những tiệm photocopy gần nhà giáo viên bộ môn hay phòng photocopy của trường, nơi mà khả năng lộ đề là cao nhất. Thông thường các “thợ” chọn cách tạo mối quan hệ thân thiết với chủ tiệm photo để có thể vào search trong máy tính, lùng sục đề kiểm tra khi thầy cô mới rời khỏi tiệm. Cách này ổn nhất, nhưng khá mất thời gian, nhiều teen chọn cách sát đến ngày kiểm tra thì thỉnh thoảng “lùng sục” trong thùng giấy in hỏng của tiệm photo. Cách này ít tốn công mà lại khá an toàn (không bị thầy cô bắt gặp) nên được các “thợ” tận dụng nhiều nhất.

Những cách thức chôm đề trên tuy dễ thực hiện nhưng không phải lúc nào cũng lấy được đề. Chính vì vậy, những teen “trên cả lười biếng”, những “thợ săn lão làng” còn nghĩ ra cách... làm quen với con của các giáo viên, dễ nhất là thông qua game. Ban đầu là những món đồ trong game được “thợ” hào phóng tặng, đổi lại là những tiết lộ nho nhỏ về đề kiểm tra mà “cục cưng” của các thầy cô kiếm được. Khi đã thành “khách hàng thân thiết” rồi thì chuyện đổi một số tiền lớn nhỏ nhất định tùy theo độ quan trọng của bài kiểm tra đã trở thành phổ biến. Thông thường là 20k cho đề kiểm tra 15 phút và 50k cho đề 1 tiết. “Cả hội gom lại, mỗi đứa chưa tới 10k, vẫn còn rẻ chán so với công sức cày bài”, M.Tuấn, một “thợ săn” chuyên nghiệp thản nhiên tiết lộ. “Thợ” Tuấn còn cho biết thêm: “Mỗi đứa săn một môn, thế mới không bị lộ!”

Không chỉ kiếm đề cho riêng mình để khỏi phải học bài, có teen còn “săn” đề cho cả hội, thậm chí bán cho bạn bè để kiếm lời. Đề phòng trường hợp lộ đề đến tai giáo viên, những nhân vật trong hội phải hoàn toàn kín tiếng, kết quả đáp lại là sổ liên lạc toàn điểm đẹp (nhưng kiến thức rỗng tuếch). P.H (cựu học sinh THCS L.T.T) thích thú kể lại ”chiến tích” khi vô tình nắm được đề thi giữa học kì môn Văn năm lớp 9: “Lớp tớ đứa nào cũng oải môn Văn, chính vì thế đề thi lần đó bán thú vị cực, 10k/đề mà đứa nào cũng xòe tiền ra mua, kiếm 200k gọn hơ”.

Đi đêm có ngày gặp... cô

Đ.Lộc có lần đang lúi húi bên máy photo để cho chạy thêm một bản đề Sinh học thì cô giáo đột ngột... đứng sát bên cạnh. “May mà cô chỉ phê bình và hứa không làm lớn chuyện nếu mình chăm chỉ học hành và không tái phạm. Cạch đến già”.

Nhóm của M.Tuấn ở trên thì lâu lâu lại gặp ”tai nạn nghề nghiệp” do thầy đổi lịch, thay vì kiểm tra 15 phút theo xấp đề có sẵn thì thầy cho kiểm tra miệng hơn nửa lớp. Nhóm “thợ săn” của Tuấn xơi cả rổ trứng vì “tủ đè”... Dành nhiều thời gian để săn đề, chủ quan không xem bài vở nên dần dần, việc tiếp thu kiến thức mới trở thành một chuyện khó khăn đối với những “bác thợ săn”. Kiến thức càng ngày càng hổng nặng, nhưng không ít “thợ săn” vẫn cứ nhởn nhơ, tự hào với tài “thiện xạ” của mình. Cho dù lần đi “săn” nào cũng gặp may như... mong ước(?), liệu những con điểm đẹp và thơm... ảo kia sau này có giúp ích gì cho teen trước của những kì “kiểm tra đột xuất” của cuộc đời?

Theo Mực Tím