Tâm thư của một giảng viên "khát dạy"
Các Website khác - 16/10/2008

Sau khi bài “Tâm thư của một sinh viên ‘khát học’” được đăng tải trên Vietimes, Vietimes nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả đồng tình và chia sẻ với ý kiến của bạn sinh viên. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc phản hồi của một thầy giáo lý giải tại sao lại có tình trạng các thầy cô giáo đại học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy như nguyện vọng của các em sinh viên thực sự “khát học”.


Thân gửi em sinh viên khát học, tôi tên là Lưu Trường Văn, giảng viên tại một trường đại học tại TP.HCM và hiện nay đang học Tiến sỹ tại Hàn quốc. Đọc xong lá thư của em tôi cảm thấy bản thân nên viết vài dòng trả lời.

Tôi có 2 câu hỏi dành cho em:

1. Em có chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các hình thức giảng dạy mới chưa? Quy luật đánh đổi trong tự nhiên đã nói rõ nếu giảng viên thực hiện 5 đề nghị đầu tiên thì em sẽ hao tổn rất nhiều công sức, mất rất nhiều thời gian, thậm chí tốn tiền nữa. Tất nhiên bù lại em sẽ đạt được nhiều lợi ích vô hình và hữu hình. Nếu câu trả lời là "chưa" thì làm ơn đừng đưa ra những đề nghị bởi vì không khéo sau khi giảng viên chúng tôi áp dụng đúng 5 đề nghị đầu tiên của em thì em lại quay ngược lại trách chúng tôi như những sinh viên của tôi đã trách tôi vậy. Những câu than vãn đại loại như: "bài tập nhiều quá", "ông Thầy này làm như là mình học chỉ có môn của ông ta vậy", "mất nhiều thời gian khi học môn này quá!". ...


Ảnh chỉ mang tính minh họa



2. Em đã khảo sát liệu có bao nhiêu % sinh viên trong lớp của em có nguyện vọng như em? và bao nhiêu % sinh viên trong lớp của em sẳn sàng và vui vẻ chấp nhận khối lượng công việc gia tăng mà cách giảng dạy mới sẽ tạo ra? Nếu câu trả lời là ít hơn 30% thì làm ơn đừng đề nghị, mà trước hết hãy thuyết phục các sinh viên trong lớp em đồng ý và chấp nhận làm việc nhiều hơn khi học những môn áp dụng cách giảng dạy mới. Kinh nghiệm riêng của bản thân tôi là chỉ có tối đa 30% sinh viên trường của tôi ham thích và mong muốn cách giảng dạy mới mà thôi.

Về mặt xã hội & nhà trường, tôi cũng có 2 câu hỏi:

1. Nhà trường và xã hội đã làm được gì để động viên các giảng viên "dũng cảm" áp dụng phương pháp giảng dạy mới chưa? Dựa vào những gì bản thân đã trải nghiệm, tôi trả lời luôn: "chưa". Vậy thì đừng đòi hỏi giảng viên tốt nghiệp nước ngoài như chúng tôi áp dụng phương pháp giảng dạy mới! Ở trường của tôi, khi bình bầu giảng viên giỏi hàng năm, cũng có tiêu chuẩn về áp dụng phương pháp giảng dạy mới nhưng mà khá mơ hồ và “có cũng như không” bởi vì ai cũng đạt tiêu chuẩn đó hết. Dễ hiểu thôi, thay vì đọc cho sinh viên chép từ sách thì biên soạn thành các slide rồi copy vài giấy phim trong. Sau đó dùng máy đèn chiếu Overhead chiếu lên bảng và lại đọc cho sinh viên chép từ mấy cái slide phim trong đó. Hay là soạn bài trên powerpoint rồi sau đó dùng projector để chiếu lên màn ảnh, nhưng giảng viên không giảng bài, không ví dụ mà đơn thuần đọc từ các slide powerpoint cho sinh viên chép vào.

TIN LIÊN QUAN
Bài 4; 54,5% sinh viên chán học và 70-80% giáo viên giảng dạy theo phương pháp cũ
Bài 5: Tâm thư của một sinh viên "khát học"
"Chỉ có những "thằng dốt" mới đi học!”
Đi học đại học để... ngáp ngủ, nhai kẹo, ăn xôi và chơi dế!
Du học Anh và những trải nghiệm hàn lâm
Với tiêu chuẩn thi đua mơ hồ thì đố ai dám nói rằng làm như trên không phải là áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Còn lúc bầu giảng viên giỏi ư! Chỉ có mấy ông giảng viên bầu phiếu kín với nhau thôi, sinh viên làm gì được tham gia. Cứ như thế, mấy vị trưởng bô môn và các giáo sư-tiến sỹ già (mà chúng tôi quen gọi là “cây đa -cây đề”) lại là giảng viên giỏi từ năm này qua tháng nọ. Còn giảng viên trẻ ư! Hãy đợi đấy!. Thật là buồn cười khi sinh viên là khách hàng (customer), vậy mà nọ lại đứng chầu rìa bên ngoài cuộc bầu cử của những nhà cung cấp (giảng viên đại học). Và cũng thật khôi hài khi chỉ có mấy “nhà cung cấp” họp lại với nhau rồi xem xét và bầu cử để tìm ra “nhà cung cấp giỏi”.

Nhà báo không tin ư, cứ đến mấy trường đại học VN vào mùa bầu thi đua thì sẽ rõ. Với cơ chế như thế thì làm gì có động lực đề giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên tôi và một số giảng viên khác vẫn áp dụng phương pháp giảng dạy mới cho dù nhà trường và xã hội có động viên hay không. Đó là vì sự yêu nghề và lương tâm nghề nghiệp nơi chúng tôi mà thôi chứ chăng có sự động viên nào từ nhà trường và xã hội.


Ảnh minh họa



2. Nhà trường và xã hội đã cung cấp các tiện ích cần thiết và tạo mọi điều kiện để áp dụng phương pháp giảng dạy như em "sinh viên khát học" mong đợi chưa? Dựa vào những gì bản thân đã trải nghiệm, tôi cũng xin trả lời luôn: "chưa". Vậy thì làm sao giảng viên tốt nghiệp nước ngoài như chúng tôi áp dụng phương pháp giảng dạy mới! Vì lý do kinh tế, người ta phân công giảng viên phải dạy một lớp với tối thiểu 70 sinh viên thì làm sao mà áp dụng các phương pháp dạy mới. Theo tôi 1 lớp nên tối đa là 30 sinh viên thì giảng viên mới có thể áp dụng các phương pháp dạy mới. Tôi xin làm bài tính đơn giản. Trung bình 1 học kỳ tôi dạy 2 – 3 lớp với tổng sinh viên bình quân là 240 sinh viên. Giả sử hàng tuần tôi cho mỗi sinh viên 1 bài tập cá nhân (individual assignment) và tôi mất 20 phút để chấm bài và vào điểm (3 bài tập/1 giờ làm việc). Như vậy tôi mất 240/3 = 80 giờ làm việc chỉ riêng cho việc chấm bài. Ngoài ra tôi phải cho sinh viên làm bài tập nhóm (group assignment), bài tập lớn (term project) và chấm mấy bài nữa. Tính bình quân tôi mất thêm 10 giờ/tuần cho mấy việc đó. Như vậy, hàng tuần tôi phải tiêu phí 90 giờ làm việc để chấm bài tập các loại + 10 giờ dạy học = 100 giờ. Xin chú ý, theo Luật lao động, 1 tuần tôi làm 5 ngày, mỗi ngày làm 8 giờ, như thế 1 tuần nhà nước chỉ trả lương cho tôi tương ứng với 5ngày x 8giờ làm việc = 40 giờ làm việc. Như vậy nếu áp dụng sơ bộ phương pháp giảng dạy mới, hàng tuần tôi phải làm ngoài giờ 100-40 = 50 giờ. Đó là chưa kể khoảng thời gian mà tôi phải đọc sách, search tài liệu trên mạng, đi thư viện đọc sách, … tính chung khoảng 10 giờ nữa. Nói tóm lại, nếu áp dụng triệt để phương pháp giảng dạy mới nhằm thoả mãn 5 yêu cầu đầu tiên của em “sinh viên khát học” thì mỗi tuần tôi phải làm ngoài giờ (overtime) 60 giờ. Điều này vô lý quá!!!!!!

Đừng ép buộc hoặc đề nghị chúng tôi phải áp dụng triệt để các phương pháp dạy mới để mà suốt ngày suốt đêm tôi phải chấm bài, tìm tài liệu, soạn bài mới và để mặc vợ con đói khổ với đồng lương chết đói của 1 giảng viên đại học. Xin nói thêm, tôi không có trợ giảng! Đại học VN làm gì có cơ chế 1 giảng viên được phép có 1 trợ giảng. Mọi so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên cũng cần nói ra để rõ thế nào là chế độ đãi ngộ với giáo sư Hàn quốc. Tại Hàn quốc, lương của 1 giảng viên trường đại học công là 4000-5000 USD/tháng, còn trường đại học tư là 6000-8000 USD/tháng. Lương 1 trưởng phòng 1 công ty tư nhân chỉ là 4000-5000 USD/tháng. Ở Hàn quốc với mức lương như trên thì giáo sư Hàn sống quá vương giả bởi vì thịt heo 5USD/kg, thịt gà 3,5USD/kg, gạo 2,8USD/kg, tiền nước 20USD/hộ/tháng, tiền điện 80USD/hộ/tháng vào mùa hè +thu và 200-400USD/tháng/hộ vào mùa đông+xuân. Học phí đại học công lập 2400USD/học kỳ, còn đại học tư 5000-6000USD/học kỳ. Trong khi đó, lương của tôi 1.500.000VND/tháng. Dạy 1 lớp được 2.200.000VND/lớp. Cả học kỳ tôi dạy 3 lớp nên được 6.600.000 VND. Như vậy bình quân 1 tháng tôi lãnh 1.500.000 + (8.100.000/6tháng) = 2.600.000 VND/tháng. Nhưng hàng tháng tiền nước gia đình tôi (2 vợ chồng + 2 con) khoảng 300.000 VND/tháng, còn tiền điện khoảng 1.000.000 VND/tháng. Như vậy hàng tháng tôi phải chi 50% (1.300.000/2.600.000) lương cho điện và nước. Còn giáo sư Hàn ư, họ chỉ phải chi 6-8% cho điện và nước hàng tháng.

Vây thì, đừng ép buộc hoặc đề nghị chúng tôi phải áp dụng triệt để các phương pháp dạy mới để mà suốt ngày suốt đêm tôi phải chấm bài, tìm tài liệu, soạn bài mới và để mặc vơ con đói khổ với đồng lương chết đói của 1 giảng viên đại học. Tôi xin tạm dừng nơi đây, chúc em "sinh viên khát học" đạt được nguyện ước nhé.

Tái bút: theo thiển ý của tôi, để mau chóng đạt được ý nguyện, em nên tìm cách học Tiếng Anh cho giỏi sau đó xin học bổng để du học Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Singapore, New-Zeland, … Nếu được học bổng đi học tại mấy nước đó thì chắc chắn em sẽ toại nguyện.

Lưu Trường Văn
Nghiên cứu sinh, Pukyong National University, Busan, Korea