Thầy giáo đặc biệt và lớp học có một không hai
Các Website khác - 23/05/2008

Ở xóm chài ven sông Chu, thuộc thôn Quyết Thắng, xã Xuân Bái (Thọ Xuân, Thanh Hóa), có người đàn ông bị bại liệt gần 30 năm qua nhưng vẫn âm thầm dạy chữ cho những trẻ em nghèo. Người dân gọi anh với cái tên trìu mến: thầy Nghĩa.

Thầy Nghĩa và học trò trong giờ học

Tuổi thơ bất hạnh

Sinh năm 1951, tuổi thơ của thầy Nghĩa là những năm tháng đói rét. Ngoài giờ học Nghĩa theo mẹ đi mót sắn, mót khoai, đào củ mài về độn với cơm, ra sông kiếm con cua, con cá bán lấy tiền mua gạo.

Hồi ấy, trẻ trong làng học lên cấp 2 thuộc diện hiếm. Nghĩa là một trong những học sinh thuộc loại hiếm ấy. Mong muốn được học hết cấp 3 rồi làm cán bộ lâm nghiệp theo nghiệp cha, nhưng đang học cấp 2, số phận không may mắn đã khiến cậu mắc phải căn bệnh quái ác: Các khớp xương bị sưng lên nhức nhối, da thịt lúc thì đỏ ửng, lúc lại thâm tím đau nhức ngày đêm không sao cử động được.

Hơn chục năm trời với những cơn đau hành hạ, bố mẹ Nghĩa nuốt nước mắt, âm thầm chạy chữa cho con. Ở đâu, bất kỳ xa hay gần, hễ nghe ai nói có thầy thuốc giỏi là họ lại tìm đến để chữa bệnh cho anh.

Thế nhưng căn bệnh không thuyên giảm, lại còn nặng hơn. Đến năm 1980, Nghĩa  không chữa trị nữa, chấp nhận số phận nghiệt ngã giáng xuống cuộc đời mình.

Căn bệnh hiểm nghèo khiến Nghĩa bỏ dở chuyện học. Thương cha mẹ vì mình mà ngày càng vất vả, không ít lần Nghĩa vùng dậy tập đi nhưng rồi lại ngã vật ra, ngất lịm. Những năm tháng trên giường bệnh không chỉ làm Nghĩa đau về mặt thể xác, ước mơ và biết bao dự định của cuộc đời cũng lụi tàn dần.

Tìm lại nguồn sống

Cuộc sống của Nghĩa từ đó gắn với giường bệnh, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người phục vụ. Từ khi bố mất, toàn bộ gánh nặng chăm sóc cho đứa con tật nguyền đặt lên vai mẹ Nghĩa. Khi ấy bà đã hơn 80 tuổi.

Nhìn gia cảnh nhà Nghĩa ai cũng thương. Nhiều người đem tấm gương anh Nguyễn Ngọc Ký ra động viên. Nhưng Nguyễn Ngọc Ký thuận lợi hơn Nghĩa nhiều, vì anh vẫn còn đôi chân… Còn Nghĩa chỉ còn cánh tay trái là nhúc nhắc được. Ngay cả việc quay đi quay lại cái cổ đã cứng ngắc cũng là quá khó khăn.

Những ngày tháng như thế cứ kéo dài lê thê trong sự mặc cảm và vô vọng. Nhưng là một thanh niên giàu nghị lực và hoài bão, Nghĩa quyết tâm phải làm một việc gì đó để không phụ công sinh thành của bố mẹ.

Với những kiến thức đã học được, anh gọi những đứa cháu trong gia đình đến để kèm cặp, vừa để giải khuây, vừa giúp bố mẹ các cháu có thời gian lao động sản xuất. Nhiều em nhỏ khác không được đến trường, phần vì trường quá xa, phần vì nhà nghèo, cứ đến vây quanh xem thầy dạy học nên anh dạy kèm luôn cho chúng.

Những học sinh được anh dạy dỗ đã có những tiến bộ rõ rệt, chúng không chỉ đọc thông viết thạo mà còn rất ngoan và học giỏi. Nhiều em là học sinh yếu kém của trường, sau thời gian hè được thầy Nghĩa kèm cặp đã trở thành học sinh khá. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở các xã lân cận cũng dẫn con tới nhờ thầy Nghĩa dạy.

Quãng thời gian thuận lợi nhất của Nghĩa là khi cậu em út xuất ngũ trở về. Người em xây được một căn nhà gỗ xinh xắn và xin mẹ đón ông anh tật nguyền về chăm sóc.

Lúc đó tôi nghĩ mình đã bỏ cuộc. Nhưng thấy lũ trẻ và bố mẹ chúng cứ đến năn nỉ thầy dạy làm tôi lại mềm lòng 

Lớp học của thầy Nghĩa lúc này lên tới 30 - 35 em. “Lúc đầu nằm một chỗ, tôi cảm thấy tiếc những gì mình đã được học. Nỗi khát khao được làm một việc gì đó có ích đã thôi thúc tôi truyền thụ những kiến thức đó cho học sinh” - Thầy Nghĩa tâm sự.

Thế nhưng tai họa vẫn không buông tha anh. Người em đột ngột bị sét đánh chết trong một cơn dông. Mất chỗ dựa của lớp học, mất đi người trụ cột của gia đình, cô em dâu Nghĩa phải bán nhà, dắt con vào Nam sinh sống. Còn Nghĩa được người nhà bế trở lại mái tranh nghèo sống với người mẹ già đã 86 tuổi.

“Lúc đó tôi nghĩ mình đã bỏ cuộc. Nhưng thấy lũ trẻ và bố mẹ chúng cứ đến năn nỉ thầy dạy làm tôi lại mềm lòng”  - Nghĩa nhớ lại. Thế là lớp học lại được tiếp tục trên những manh chiếu trải giữa nền đất của ngôi nhà mái lá xiêu vẹo.

Thầy giáo của nhân dân

Nằm một chỗ, thầy Nghĩa đã dùng một chiếc que tre dài rồi nhổm người lên để chỉ dạy cho học trò. Lúc nào mỏi người quá thầy lại trở mình rồi quan sát học trò qua một chiếc gương nhỏ.

Ấy vậy mà không một cử chỉ nào của lũ trẻ qua nổi mắt thầy. Khó khăn, bệnh tật là thế nhưng thầy Nghĩa cũng không nỡ lấy tiền của những học sinh nghèo. Học phí được các phụ huynh tùy tâm trả. Người cao thì 10 - 20.000đ/ trẻ/ tháng. Có người thì mang biếu thầy mớ cua, mớ ốc, rổ măng rừng…

Nhà ai khó khăn, chẳng có gì thầy cũng vui lòng dạy dỗ con em họ. Gần 30 năm dạy chữ cho trẻ em nghèo, những học sinh đầu tiên của thầy Nghĩa giờ cũng đã trưởng thành. Có người đã lập gia đình. Rồi con cái họ lại đến nhà thầy Nghĩa học chữ.

Thương mẹ già tuổi cao, sức yếu mà vẫn phải lọ mọ chăm sóc cho mình, Nghĩa bèn chế ra những chiếc sào tre mà khi nằm một chỗ vẫn có thể mắc được dây mùng, đẩy liếp cửa…

Từ trên giường, Nghĩa rướn người xuống nền nhà nhóm lửa nấu cơm. Học trò thương thầy nên học hành rất chăm chỉ. Những giờ rảnh rỗi, chúng lại quây quần quanh giường để được nghe thầy kể chuyện, giúp thầy thổi cơm, quét nhà...

Bà Nghinh - mẹ Nghĩa - gạt nước mắt: “Bây giờ tôi còn sống, còn có thể giúp đỡ được nó. Mai này trời bắt tôi đi, lấy ai chăm sóc cho đứa con tật nguyền này…”!

Bên dòng sông Chu hiền hòa, biết bao vất vả, khó khăn vẫn còn đeo bám cả thầy và trò. Trong ngôi nhà tranh nghèo hàng ngày vẫn vang lên tiếng trẻ ê a học bài dưới sự chỉ dạy ân cần của người thầy giáo tật nguyền. Với người dân xóm chài ven bờ sông Chu, thầy Nghĩa luôn là thầy giáo của nhân dân.

Chương trình “Một điều ước” của VTV3 Đài THVN cùng Cty Tôn Phương Nam đã đưa ra cho thầy Nghĩa một điều ước. Mọi người đều bất ngờ khi nghe điều ước của thầy rất đỗi bình thường không phải cho mình mà cho tất cả những đứa trẻ thơ nghèo nơi đây. Đó là thay thế những bộ bàn ghế mục nát để cho các em có chỗ học đàng hoàng.

Trình Lan