Thi khối A cũng có thể trở thành cử nhân văn học!
Các Website khác - 26/09/2005

Thí sinh thi ĐH khối A, trượt nguyện vọng 1 vào các trường ĐH công lập nhưng điểm thi đạt điểm sàn, có thể trở thành Cử nhân Văn học, nếu đăng ký vào học khoa Ngữ văn, trường ĐH dân lập Văn Hiến.

Soạn: AM 561433 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thí sinh dự thi khối A trong kỳ thi ĐH 2005 (Ảnh: LAD)

Năm nay, trường ĐH dân lập Văn Hiến (TPHCM) xét tuyển 1050 chỉ tiêu cho tất cả 12 ngành học.

Trong đó, ngoại trừ ngành Điện tử- Viễn thông tuyển khối A (Toán- Lý - Hóa), ngành tiếng Anh tuyển khối D1 ( Toán- Văn-Anh văn), tất cả các ngành còn lại, nhà trường tổ chức xét tuyển một cách “tổng hợp”.

Cụ thể: Ngành Công nghệ thông tin, ngoài khối A còn xét tuyển luôn khối D1; Ngành Kinh tế thì tuyển A, D1, D3, D4; Ngành Xã hội học, Tâm lý học, Văn hóa học, Du lịch thì tuyển luôn các khối A, D1, 3, 4 và C (Văn- Sử- Địa).

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là ngành Ngữ văn. Ngoài xét tuyển khối C như truyền thống lâu nay, nhà trường còn mở rộng luôn cả khối D1, D3, D4 và xét luôn cả khối A.

Đây là sự “sáng tạo” nhằm cải thiện tình hình tuyển sinh vô cùng khó khăn mà trường ĐH dân lập Văn Hiến đã và đang gặp phải trong suốt mấy năm qua.

Năm ngoái, trường ĐH dân lập Văn Hiến dự kiến tuyển 1.230 chỉ tiêu. Nhà trường đã phát 1.799 giấy báo trúng tuyển theo 3 nguyện vọng 1,2,3 nhưng rốt cuộc chỉ có 762 thí sinh đến nhập học.

Trường phải đóng cửa một số ngành như tiếng Pháp, tiếng Hoa, Công nghệ thông tin vì không sinh viên. Năm nay, kết thúc nguyện vọng 2, nhà trường chỉ nhận được 358 hồ sơ xét tuyển hợp lệ ( đạt điểm sàn do Bộ quy định).

Trong đó, ngành tiếng Pháp, tiếng Hoa chỉ có 1 hồ sơ, ngành tiếng Nhật có 4 hồ sơ. Riêng ngành Ngữ văn, với chiêu thức mở rộng khối tuyển ( A, C, D1,D3, D4), nhà trường đã nhận được 70 hồ sơ xin xét tuyển.

Vào thời điểm này, nhà trường đã gửi giấy báo trúng tuyển cho 358 thí sinh có hồ sơ hợp lệ. Nhưng, có bao nhiêu thí sinh đến nhập học thì chưa thể biết được vì tỷ lệ thí sinh trúng tuyển “ảo” rất lớn.

Với chỉ tiêu đặt ra là 1.050 sinh viên, công việc tuyển sinh của trường ĐH dân lập Văn Hiến đang còn phía trước! Đành hy vọng vào nguyện vọng 3 của thí sinh.

Hiện nay, để tồn tại, các trường ĐH dân lập phải tự “sáng tạo” nhiều chiêu thức nhằm thu hút thí sinh đến với mình. Các trường ĐH địa phương như trường ĐH dân lập Cửu Long, ĐH dân lập Bình Dương, ĐH dân lập Lạc Hồng ( Đồng Nai) thì tìm cách vận dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh để mở rộng nguồn tuyển.

Trường ĐH dân lập Hùng Vương “chiêu dụ” thí sinh bằng cách giảm học phí, tăng học bổng, đào tạo “khuyến mãi” theo dạng 2 trong 1 (Học ngành này nhưng được đào tạo thêm một ngành khác). Nhiều trường khác mở rộng hệ trung cấp để nuôi hệ ĐH.

(Theo Tiền Phong)