Thời điểm hiện nay, Phòng Hỗ trợ du học Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) luôn trong tình trạng quá tải. Các phụ huynh học sinh đến tìm hiểu các thủ tục liên quan đến du học như vay tiền du học, chuyển tiền... ngồi kín cả phòng và tràn ra cả ngoài hành lang.
Vay tiền du học tại các ngân hàng tăng đột biến (Ảnh: D.D.Minh) |
Theo bà Đinh Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Kế toán giao dịch Eximbank, những ngày gần đây, lượng khách hàng đến Eximbank liên hệ những vấn đề liên quan đến du học tăng đột biến so với tháng trước. Trước đây, mỗi ngày ngân hàng chỉ ký khoảng 10 lệnh chuyển tiền cho mục đích du học thì hiện nay ngân hàng ký khoảng 40 lệnh chuyển tiền, còn hồ sơ vay lên đến 15 bộ/ngày. Không riêng gì Eximbank, số lượng khách hàng đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) thực hiện các giao dịch liên quan tới du học cũng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng Sở Giao dịch ACB mỗi ngày có từ 25 - 30 khách hàng đến liên hệ. Những năm gần đây, nhu cầu du học ngày càng gia tăng và một số ngân hàng đã mạnh dạn triển khai sản phẩm hỗ trợ du học trọn gói từ giai đoạn tư vấn trường đến cho vay, chuyển tiền. Thông thường, ngân hàng sẽ liên kết với những công ty tư vấn du học nhằm cung cấp cho khách hàng những thông tin về ngành học, trường học, điều kiện ăn ở, chi phí... để khách hàng lựa chọn. Kế đến là hỗ trợ các dịch vụ về tài chính như cho vay du học, xác nhận khả năng tài chính và chuyển tiền du học... Đối với dịch vụ cho vay du học, ngân hàng sẽ cho vay thanh toán học phí và chi phí. Số tiền các ngân hàng cho du học sinh vay ngày càng tăng. Năm 2004, Eximbank cho du học sinh vay khoảng 385 tỉ đồng, nhưng chỉ 6 tháng đầu năm 2005 dư nợ cho vay đã lên 274 tỉ đồng. Còn ACB cho biết, số tiền khách hàng vay du học hiện nay đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, một số ngân hàng còn phối hợp với các tổ chức nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho vay đối với du học tại chỗ. Vừa qua, ACB đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện cho sinh viên vay lấy bằng thạc sĩ quốc tế. Việc xác nhận khả năng tài chính là một trong những điều kiện quan trọng hỗ trợ cho việc xin visa của du học sinh. Ngân hàng sẽ xác nhận năng lực tài chính của du học sinh bao gồm chứng thư bảo lãnh tài chính, hợp đồng tín dụng dự phòng, cấp giấy xác nhận khả năng tài chính, giấy xác nhận số dư tài khoản tiền gửi thanh toán và sổ tiết kiệm. Ông Bùi Tấn Tài - Giám đốc khối khách hàng cá nhân ACB cho biết: "Khách hàng có con đi du học nên công khai tài chính trung thực, có gì nói nấy". Điều này xuất phát từ thực tế vừa qua, có một số hợp đồng tín dụng (một hình thức phổ biến chứng minh du học sinh đáp ứng những yêu cầu về khả năng tài chính) qua kiểm tra cho thấy hợp đồng không hợp lệ và không đạt yêu cầu luật định về tài chính cho thị thực du học. (Theo Thanh Niên)
▪ Học tiếng Đức, sao phải thi tiếng Anh? (26/09/2005)
▪ 'Không nên cứng nhắc theo thư mời nhập học" (24/09/2005)
▪ Cần Thơ: Đưa 150 cán bộ ra nước ngoài học (24/09/2005)
▪ Phạm vi kiến thức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ tương đương như thi tự luận (23/09/2005)
▪ Thành lập Trường CĐ Điện lực TP.HCM (23/09/2005)
▪ Rớt, đậu và đường đời (24/09/2005)
▪ Ước mong (24/09/2005)
▪ 80.000 USD hỗ trợ thiết bị công nghệ cao cho trường ĐH (23/09/2005)
▪ Mua bảo hiểm để được ưu tiên tuyển sinh? (24/09/2005)
▪ “Khoán 10” cho các nhà khoa học (24/09/2005)