![]() |
Sinh viên lớp đào tạo theo chương trình tiên tiến của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trao đổi với giảng viên trong giờ học. |
TT - Điều kiện học tập hiện đại; giảng viên trình độ cao; giáo trình, tài liệu tham khảo của nước ngoài... Đó là những yếu tố hấp dẫn của các chương trình đào tạo ĐH chất lượng cao. Thí sinh (TS) có thể chọn cho mình một trong rất nhiều chương trình được các trường ĐH mở ra trong kỳ tuyển sinh 2008.
Nhiều lựa chọn
Ở phía Bắc, các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội triển khai khá nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) đào tạo hệ chất lượng cao ở các ngành: công nghệ thông tin và công nghệ điện tử - viễn thông.
Trường phối hợp với Viện Máy và dụng cụ công nghiệp (IMI) tổ chức đào tạo theo phương thức gắn đào tạo với nhu cầu xã hội ngành công nghệ cơ điện tử, ngành đào tạo tích hợp các kiến thức liên ngành về kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, điều khiển và cơ khí chính xác để tạo ra các hệ thống/sản phẩm "thông minh". Trong thời gian học, sinh viên được IMI hỗ trợ học phí, được tham gia làm việc bán thời gian và hưởng thêm lương, được nhận làm việc tại IMI sau khi ra trường.
270 chỉ tiêu đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp Năm 2008, Cộng hòa Pháp tiếp tục hỗ trợ đào tạo kỹ sư chất lượng cao ở bốn trường đại học trong các lĩnh vực: cơ khí, công nghệ thông tin, năng lượng và xây dựng. Dự kiến khóa 2008-2013 sẽ phân cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 45 chỉ tiêu, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) 45 chỉ tiêu, Trường ĐH Xây dựng 90 chỉ tiêu và Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) 90 chỉ tiêu. TS muốn vào học lớp đào tạo kỹ sư chất lượng cao, sau khi đã trúng tuyển cần đăng ký với phòng đào tạo và dự thi tuyển chọn. Hai năm đầu học theo chương trình chung cho cả bốn trường, sau đó thi chọn ngành học và học tiếp ba năm ở một trong bốn trường đại học kể trên. |
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) tuyển sinh hệ đào tạo chất lượng cao các ngành: khí tượng - thủy văn - hải dương học, địa chất, địa lý, khoa học môi trường. Trường liên kết với ĐH Illinois (Mỹ) tuyển sinh đào tạo theo chương trình tiên tiến đạt trình độ quốc tế khoảng 50 SV cho ngành hóa học và liên kết với Trường ĐH Washington (Mỹ) tuyển sinh 40 chỉ tiêu ngành toán học. Các hệ đào tạo này tuyển sinh trong cả nước đối với các TS dự thi khối A năm 2008, có kết quả thi cao.
Ở khối khoa học xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) triển khai đề án xây dựng ngành ngôn ngữ học đạt trình độ quốc tế. Trong quá trình học, SV được các nhà khoa học, các giáo sư, giảng viên có trình độ, kinh nghiệm và uy tín giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học; được cung cấp hoặc sử dụng miễn phí các tài liệu học tập, các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, thư viện và hệ thống Internet phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học;
Được ưu tiên xét cấp học bổng của đề án và của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; được hỗ trợ kinh phí đi thực tập, thực tế ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, trường còn đào tạo hệ chất lượng cao ở một số ngành: triết học, khoa học quản lý, văn học, lịch sử.
Trong khi đó, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) tuyển sinh hệ đào tạo chất lượng cao các ngành: tiếng Anh phiên dịch, tiếng Anh sư phạm, tiếng Nga sư phạm, tiếng Pháp sư phạm và tiếng Trung sư phạm.
Và cũng từ năm 2008, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) bắt đầu triển khai đề án xây dựng ngành quản trị kinh doanh đạt trình độ quốc tế, theo chương trình đào tạo của một số trường ĐH nổi tiếng trên thế giới, 60-65% thời lượng khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Theo học hệ này, ngoài kinh phí do Nhà nước cấp 270 USD/tháng/SV, SV phải đóng học phí 46 USD/tháng. Để dự tuyển, TS phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: điểm TOEFL paper (nội bộ hoặc quốc tế) từ 400 trở lên, TOEFL IBT từ 30 trở lên, TOEFL CBT từ 93 trở lên, IELTS từ 3.5 trở lên, TOEIC từ 350 trở lên.
Học chương trình tiên tiến
Năm 2008, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục mở hai lớp, mỗi lớp 50 SV, theo chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học ở Mỹ gồm bốn ngành: cơ điện tử, khoa học và kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật y sinh, điện - điện tử (mỗi lớp 50 SV). Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở một lớp tài chính đào tạo theo chương trình tiên tiến, giảng dạy bằng tiếng Anh. Trường sẽ xét tuyển khi SV đã nhập học. Trường ĐH Thủy lợi cũng tuyển sinh một lớp 40 SV, theo chương trình đào tạo tiên tiến hợp tác với ĐH Colorado của Mỹ, ngành kỹ thuật tài nguyên nước. Lớp học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Ở phía Nam, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tuyển 120 SV chương trình hợp tác Việt - Pháp đào tạo kỹ sư chất lượng cao từ các TS tuyển thẳng và TS trúng tuyển vào trường ở tất cả các ngành. Hai năm đầu SV học theo chương trình chung, sau đó thi tuyển vào các ngành: hàng không, cơ - điện tử, hệ thống năng lượng, viễn thông, vật liệu mới, vật liệu polymer. Trường tuyển 50 SV vào khóa 3 chương trình đào tạo tiên tiến của Bộ GD-ĐT nhóm ngành: điện - điện tử theo qui trình và chương trình của ĐH Illinois.
Ngoài ra, trường còn tuyển sinh các lớp tăng cường tiếng Pháp trong khuôn khổ cộng đồng Pháp ngữ, lớp tăng cường tiếng Nhật cho ngành điện - điện tử và tuyển 194 SV cho chương trình đào tạo kỹ sư tài năng: ngành kỹ thuật chế tạo, chuyên ngành tự động hóa; ngành công nghệ hóa học, chuyên ngành xây dựng dân dụng - công nghiệp; ngành công nghệ thông tin.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tuyển 110 SV cho chương trình cử nhân tài năng. Trong đó, nhóm ngành công nghệ thông tin: 30 SV, ngành toán - tin, hóa học, vật lý, điện tử - viễn thông: mỗi ngành 20 SV. Đối tượng dự tuyển là những TS trúng tuyển kỳ thi ĐH chính qui vào trường năm 2008 và có nguyện vọng học hệ cử nhân tài năng. Trường còn tuyển 50 TS đã trúng tuyển vào khối ngành công nghệ thông tin có điểm TOEFL trên 450 hoặc IELTS 5.0 vào học hệ chương trình tiên tiến. Tốt nghiệp hệ này, SV sẽ được nhận hai văn bằng: một của ĐH Portland (Mỹ) và một của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).
Đối với Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG TP.HCM), chương trình cử nhân tài năng tuyển 97 SV cho các ngành văn học, Đông phương học, ngữ văn Anh và lịch sử từ những TS trúng tuyển NV1 vào trường. Chương trình này ở Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM) sẽ tuyển 60 SV cho các ngành kinh tế học và tài chính - ngân hàng.
Tại khu vực miền Trung, ĐH Huế tiếp tục đào tạo ngành vật lý theo chương trình tiên tiến của nước ngoài, giảng dạy bằng tiếng Anh. Lớp này sẽ chọn những TS thi khối A đã trúng tuyển (bất cứ ngành nào, trong cả nước), có điểm thi cao và tự nguyện đăng ký xét tuyển. Chỉ tiêu dự kiến tuyển là 30 SV. Các TS thi khối A của ĐH Huế trúng tuyển với điểm thi cao có thể dự tuyển vào lớp cử nhân chất lượng cao (15 chỉ tiêu) các ngành toán, vật lý, công nghệ thông tin theo dự án đào tạo phối hợp giữa ĐH Huế và Trường ĐH Tổng hợp quốc gia Belarus (bằng ngân sách nhà nước).
VÕ HÙNG
▪ Khởi động Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cần Thơ (20/03/2008)
▪ Chọn đúng ngành nghề bằng “thi” trắc nghiệm (19/03/2008)
▪ 5 nhóm đối tượng được tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng 2008 (18/03/2008)
▪ Bắt đầu ngày hội tư vấn tuyển sinh 2008 tại Hà Nội (16/03/2008)
▪ Tuyển sinh ĐH, CĐ: Thêm rất nhiều chỉ tiêu ngành kỹ thuật (14/03/2008)
▪ Vận động học sinh trở lại trường bằng… phim (11/03/2008)
▪ Hôm nay 10/3: Bắt đầu nhận hồ sơ ĐKDT Đại học, Cao đẳng (10/03/2008)
▪ ĐH FPT mở rộng đối tượng miễn thi và xét học bổng (05/03/2008)
▪ Xảy ra vi phạm, hiệu trưởng có thể phải thôi việc (26/12/2007)
▪ Hơn 100 chuyến xe miễn phí để SV về Tết (26/12/2007)