Hiện nay có 9,1 triệu người tham gia BHYTTN, trong đó học sinh, sinh viên chiếm 7,6 triệu thẻ, còn lại 1,5 triệu thẻ là của nhân dân (lao động tự do, hội viên đoàn thể, hội gia đình…). Việc tăng mức đóng BHYTTN sẽ tác động đến những người tham gia vì phần lớn đối tượng đóng BHYTTN là học sinh, sinh viên nên phụ thuộc vào bố mẹ.
Còn với đối tượng là gia đình, điều kiện bắt buộc để tham gia BHYTTN là tất cả thành viên trong gia đình đều phải đóng BHYTTN thì việc tăng mức đóng sẽ càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, bình quân một gia đình ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, có bốn người sẽ phải đóng mức phí 600.000/đồng/năm.Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tham gia với số tiền lớn như vậy. Do đó năm nay, chúng tôi không dám đề xuất kế hoạch tăng lượng người mua BHYTTN mà cố gắng giữ vững số lượng người tham gia.
Lý do gì khiến BHYTTN lại tăng mức đóng thêm 30% dù đã nhìn thấy trước những khó khăn cho người tham gia?
BHXH Việt Nam bắt buộc phải đưa ra phương án tăng mức đóng thêm 30% vì năm 2005 vừa qua, BHYTTN đã bị âm 100 tỷ đồng. Tổng thu cả năm 2005 được 390 tỷ đồng, BHYTTN chỉ được phép chi 290 tỷ đồng. Nhưng đến nay, báo cáo của 38 tỉnh, thành gửi về cho biết đã chi hết 200 tỷ đồng. Ước tính 64 tỉnh, thành số chi là 400 tỷ đồng.
Thực tế là năm 2005 BHYTTN tồn tại được là nhờ số tiền kết dư của những năm trước đó hỗ trợ. Giờ thì số tiền kết dư đó đã hết. Việc tăng mức đóng là phương án tối ưu để quỹ có thể tồn tại.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc số chi lớn hơn số thu là do năm qua giá thuốc trên thị trường tăng và xuất hiện các dịch bệnh. Mặt khác, người tham gia BHYTTN sử dụng nhiều hơn các kỹ thuật cao dẫn tới chi phí khám chữa bệnh tăng theo. Trong khi đó Quỹ cần có một nguồn kết dư để đề phòng dịch bệnh mới có thể xuất hiện. Năm 2006 mức đóng sẽ được điều chỉnh từ 25.000 - 140.000 đồng/người/năm tùy theo đối tượng, vùng miền lên 35.000 - 150.000 đồng/người/năm.
Mức đóng mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đối tượng cận nghèo. Các ông có phương án nào cho đối tượng này không?
Chúng tôi đang đề nghị lãnh đạo UBND các địa phương hỗ trợ người cận nghèo một phần chi phí đóng BHYTTN. Hiện nay đã có tỉnh Bắc Ninh thực hiện được việc này. Theo đó, với đối tượng ở thành thị mức đóng là 130.000 đồng/năm, ở nông thôn mức đóng là 100.000 đồng/năm. Tỉnh hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo 70% mức phí. Như vậy mỗi cá nhân là đối tượng cận nghèo chỉ phải đóng 30% mức phí, tương đương 39.000 đồng/người/năm ở thành thị và 30.000 đồng/người/năm ở nông thôn.
Hiện nay có rất nhiều đơn vị tham gia kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Việc tăng chi phí như vậy, BHYTTN có sợ mất khách?
Đúng là trên thị trường bảo hiểm đang có nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm y tế, v.v… Tuy nhiên chúng tôi tin vào sự phát triển của BHYTTN trong thời gian tới.
Tham gia BHYTTN, nhân dân có rất nhiều quyền lợi giống với bảo hiểm bắt buộc. Thống kê của chúng tôi trong những năm qua cho thấy năm 2002 có khoảng 4,2 triệu người tham gia. Đến năm 2004 con số này là 6,4 triệu người. Tính tới hết năm 2005, gần 9,1 triệu người có thẻ BHYTTN.
BHYTTN có tính đến giảm mức đóng nếu thu hút được nhiều người tham gia?
Điều này BHYTTN chưa tính đến vì Việt Nam chưa có nền tảng vững chắc về giá dịch vụ y tế. Thực tế cho thấy giá dịch vụ y tế nước ta luôn trong tình trạng “cất cánh” sẽ rất khó cho chúng tôi xác định được chi phí một cách ổn định.
Mặt khác, dịch bệnh xuất hiện mỗi năm khiến dao động trong việc xác định số chi của năm tăng lên. Trên thế giới có nhiều quốc gia thực hiện giảm mức đóng nếu số tiền kết dư lớn nhưng với nhiều điều kiện khác nhau. Thí dụ như ở Đức, chỉ khi nào số tiền kết dư có thể chi trả cho việc khám chữa bệnh cho đối tượng tham gia trong vòng hai năm, lúc đó mức đóng mới được điều chỉnh giảm.
Xin cảm ơn ông!
|