Mê được cầm bút lông mực tàu viết, vẽ lên những bức thư họa độc đáo, không ít người ở nửa bên kia bán cầu, mỗi khi sang Việt Nam quyết tìm nghệ sĩ thư pháp nổi tiếng để bái sư… luyện chữ.
Thày Lê Lân đang dạy cho học trò của mình - Ảnh: T.Nguyễn
Bái sư luyện chữ!
Lọt thỏm trong con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Văn Thụ, TPHCM là ngôi nhà 3 tầng - nơi nghệ sĩ thư pháp Lê Lân sinh sống và gần như dành hoàn toàn cho những tác phẩm thư pháp của mình. Ngôi nhà thư pháp như lời nghệ sĩ Lê Lân nói vui cũng đã chứng kiến không biết bao thế hệ học trò được ông luyện chữ. Ở đó cũng đã và đang chứng kiến hàng chục học trò đặc biệt- học trò Tây đam mê thư pháp Việt.
Chiều Sài Gòn mưa. Tưởng chừng lớp học về thư pháp Việt dành cho người nước ngoài của nghệ sĩ Lê Lân sẽ phải tạm nghỉ, nhưng khi tôi đến đã thấy gần chục học trò vào lớp. Lớp vỡ lòng về thư pháp Việt nhưng học trò khá lớn tuổi. Người trẻ nhất trong nhóm cũng đã bước sang buổi băm, còn phần đông đều xấp xỉ tuổi thầy - lục tuần! Có những cặp học trò là vợ chồng vừa từ Mỹ, Ý, Đức, Pháp sang du lịch Việt Nam, còn lại đều đang công tác tại Việt Nam. Tất cả đều chung niềm đam mê thư pháp Việt.
Trên tầng 3 của căn nhà, bao lấy hai chiếc bàn lớn, gần chục mái đầu với tóc vàng, mũi lõ chụm lại học cách cầm bút lông. Những ánh mắt chăm chú nhìn thầy từ cách cầm bút thẳng đứng, sao cho vuông góc với mặt bàn; rồi cách nhúng mực, vê bút sao cho không đọng nhiều mực để có thể đưa nét ngang, kéo nét sổ như ý.
Kelvin, kỹ sư người Pháp 30 tuổi, đang công tác tại TPHCM, nghe bạn bè giới thiệu đã tìm đến đăng ký học thầy Lân. Cầm tờ giấy gòn với những chữ cái a, b, c… vừa viết xong, hứng chí Kelvin đưa lên khoe với tôi: "Tôi viết được nhiều chữ rồi đấy, anh xem được không!". Nói xong cậu cười khoái chí.
Ở lớp học này, Kelvin là người hiểu biết khá nhiều về thư pháp, anh cho rằng, khái niệm thư pháp tại Trung Quốc và Phương Đông tương ứng với thuật ngữ Calligraphie- một loại nghệ thuật viết chữ đẹp khá phổ biến ở phương Tây cách đây nhiều thế kỷ. "Tôi thích học thư pháp Việt bởi nó cùng mẫu tự Latin với nhiều nước trên thế giới. Sau khi học xong tôi có thể dễ dàng viết thư pháp bằng tiếng Pháp, Anh nữa" - Kelvin vui vẻ nói.
Cặp vợ chồng người Ý Frandi - Natasha thì vừa chân ướt chân ráo sang Việt Nam du lịch cũng đã được giới thiệu và tìm bằng được phòng thư pháp để… diện kiến thầy Lân. Mới học được 3 buổi nhưng đôi uyên ương 35 tuổi này đã khiến nhiều người nể. Chồng viết xong một chữ, vợ viết xong một chữ, lại đem so sánh xem đã đẹp, đã giống của thầy chưa.
Để tận dụng thời gian, và muốn học hiệu quả hơn, vợ chồng Frandi thuê hẳn một linh mục người Việt biết tiếng Ý làm phiên dịch trong cả khóa học. Natasha cho biết, ngoài thời gian ở lớp học, họ cũng lui tới những phòng tranh - thư pháp để ngắm, chụp ảnh và học hỏi thêm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện theo suốt khóa học 20 buổi. Nghệ sĩ Lê Lân cho biết: Vì những lý do khác nhau, thông thường học trò Tây sang Việt Nam mỗi năm một đến hai lần, vừa du lịch, công tác vừa theo học thư pháp cho đến khi hoàn thành khóa trình. Nhiều học trò Tây biết đến thư pháp qua các tour du lịch Việt Nam với Vido Tourist, Sài Gòn Tourist…
Gửi "tình yêu Việt" qua học trò Tây
Là một kiều bào tại Đức, có hơn 30 năm làm kỹ sư cơ khí, nhưng nghệ sĩ Lê Lân lại bén duyên với thư pháp và hội họa khi trở về Việt Nam.
Ông chia sẻ: Nhiều người nói thư pháp chỉ có ở Trung Quốc nhưng thực ra tại Ả Rập và nhiều nước trên thế giới, những bức tranh chữ, thư họa đã có từ rất lâu đời, đến nay vẫn tồn tại và phát triển. Còn ở Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, thú học thư pháp Việt rộ lên, và đó cũng chính là cơ hội cho giới thư pháp qua đó gửi gắm văn hóa Việt ra thế giới.
Nghệ sĩ Lê Lân nhớ lại, năm 2004, Hiệp hội Du lịch Thụy Sĩ đã mời 3 nghệ sĩ thư pháp Việt trong đó có ông tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế. Lần đó, các nghệ sĩ Việt Nam đã đóng 3 container nào là xích lô, nón lá, mành trúc, giấy, khung tranh… sang Thụy Sĩ mở một gian hàng trong hội chợ, với mục đích giới thiệu, quảng bá về văn hóa Việt Nam và thư pháp Latin - tiếng Việt, tiếng Anh.
Ông bộc bạch: "Một người phương Tây sẽ dễ cảm, dễ hiểu được những câu, chữ thư pháp viết bằng mẫu tự Latin dù chất liệu và phương pháp vẫn thuần chất Phương Đông".
Ông cũng không ngừng tổ chức những buổi nói chuyện, giảng về thư pháp Việt cho những hướng dẫn viên và khách du lịch nước ngoài mỗi khi ghé thăm phòng tranh của ông. "Mỗi lần như vậy là cơ hội cho mình quảng bá thư pháp Việt. Đó cũng là cơ hội gửi gắm tinh hoa văn hóa Việt với bạn bè thế giới" - Nghệ sĩ Lân cho biết.
Khoản tiền đóng học phí cho một khóa học thư pháp 20 buổi chỉ 500.000 đồng, người Tây cũng như người Việt. Đối với nghệ sĩ Lê Lân, họ đều là những người yêu thư pháp Việt và đang cùng ông nâng niu từng con chữ, cho nghệ thuật thư pháp thăng hoa. Cái khoái nhất trong các lớp học thư pháp của thầy Lân là ai cũng được thầy thiết kế cho một cái triện riêng để đóng dấu lên tác phẩm của mình. |
Lê Nguyễn
▪ Nữ sinh 9X muốn 'tái lập' kỳ tích Olympic (28/04/2009)
▪ Chạy trường: Vẫn chưa có thuốc chữa (27/04/2009)
▪ Chân dung một nữ sinh xinh xắn học “siêu” Toán (22/04/2009)
▪ Chắp cánh ước mơ vượt hồ tìm chữ (18/04/2009)
▪ “Thật đáng buồn cho cách dạy của chúng ta...” (18/04/2009)
▪ Ước mơ đứt đoạn (13/04/2009)
▪ Cả trường dựng lều trọ học (13/04/2009)
▪ Muôn nẻo chuyện học “chui” (24/02/2009)
▪ Nguy cơ “vỡ” trường vì vắng học sinh (24/02/2009)
▪ Việt Nam cử 500 giảng viên sang Đài Loan theo học Tiến sĩ (24/02/2009)