Ước mơ đứt đoạn
Các Website khác - 13/04/2009
Đang là cậu học trò khỏe mạnh, học giỏi và đầy ắp ước mơ, bỗng một ngày chân em teo dần và không thể bước đi được nữa. Người mẹ, từng là quân nhân nay sống đơn thân một mình lặn lội cõng con ra Hà Nội với hy vọng tìm lại cho con bước chân xưa.
Lỗi hẹn đến trường

Chúng tôi gặp em Trần Văn Sơn vào sáng 10/4 ở hành lang Bệnh viện Việt Đức. Em ngồi lọt thỏm trên nền gạch, xung quanh đông nghẹt người đi khám bệnh đứng, ngồi lố nhố.

Anh Khởi đang cõng Sơn vào phòng chụp X-quang ở Bệnh viện Việt Đức

Anh Khởi đang cõng Sơn vào phòng chụp X-quang ở Bệnh viện Việt Đức.

Sơn là con trai duy nhất của chị Trần Thị Hà, sinh năm 1954, một nữ quân nhân phục viên sống đơn thân, quê ở thôn Linh Vượng, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm nay Sơn bước sang tuổi 19, nhưng đã phải nghỉ học gần 4 năm nay vì đôi chân bỗng dưng bị teo lại không rõ nguyên nhân.

Ngày Sơn mới đổ bệnh, khi em đang học lớp 8, chị Hà đã đưa con đi phẫu thuật ở Trung tâm phục hồi chức năng của tỉnh Nghệ An, nhưng không có kết quả. Nghĩ con bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam từ mình khiến người mẹ đã khốn khổ càng thêm day dứt. Đầu năm 2009, có người “mách” ở Bệnh viện Việt Đức có chuyên khoa xương rất tốt, chị lại vay mượn cõng con vượt hàng trăm cây số ra Hà Nội để chữa bệnh. Đến nơi, nhẩm tính số tiền trong túi không đủ, chị để con lại nhờ em trai trông hộ, rồi vội quay về quê vay thêm tiền.

Sơn kể: “Suốt 15 năm em khỏe mạnh bình thường, ai cũng bảo mẹ em may mắn vì có em để sớm tối vui vầy. Vậy nhưng, vào năm 2001, khi em đang học lớp 8, bỗng người bị đau nhói, co rút các cơ, chưa đầy tháng sau, em không thể đứng dậy được nữa”. Sơn hồi nhớ lại những ngày tháng đớn đau đó, giọng vẫn chưa hết thảng thốt, bàng hoàng. Sơn cho biết, chân em teo nhanh đến nỗi em có cảm giác như bị một thứ chất độc hủy diệt cực mạnh nào đó rút lấy xương thịt. Mặc dù vậy, em vẫn tốt nghiệp THCS và thi đỗ vào THPT.

Trường cách nhà Sơn 12 cây số. Ngày ngày, chị Hà đèo con bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhưng chưa được một học kỳ, sức khỏe của chị Hà suy sụp, không thể cố thêm được nữa, đành “lực bất tòng tâm nhìn con nghỉ học”. Nhiều lúc vì quá nhớ trường, Sơn đã tự lết đến nhà cô giáo gần nhà bằng đôi tay của mình. Nhưng rồi em đành chấp nhận ngồi một chỗ, từ giã mộng đèn sách vì sự nghiệt ngã của số phận.

“Lá rách đùm lá nát”

Đang phải chống đỡ với bệnh tật, đối diện với tình cảnh nghèo khổ túng quẫn thì mẹ con chị Hà lại gặp phải cảnh đời trớ trêu khác. Vào năm 2003, trên đường đến nhà cô em gái, chị Hà gặp một người phụ nữ mang bầu ngồi khóc bên đường. Chị hỏi chuyện mới biết, người phụ nữ này bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà vì “trót dại” khi con trai bà đang đi làm ăn ở miền Nam. Thấy hoàn cảnh cùng đường của người phụ nữ kia, chị Hà đã không thể làm ngơ mặc dù tình cảnh của mình cũng đang “dở khóc, dở mếu”. Chị đã cưu mang người phụ nữ kia 6 tháng trời cho đến ngày “khai hoa mãn nguyệt”. Rồi người phụ nữ kia bỏ đi, để lại đứa con còn đỏ hỏn cho chị. Tuổi cao sức yếu, con cái bệnh tật, lại phải nuôi thêm một trẻ sơ sinh khiến chị Hà gần như kiệt sức.

Ngồi ở hành lang bệnh viện, Sơn rơm rớm nước mắt nói: “Mẹ em cực lắm. Nhà chẳng đủ ăn, khi nhận em Lương (tên đứa bé bị bỏ rơi), hoàn cảnh gia đình em càng trở nên bi đát. Tầm tuổi mẹ em lúc đó, có người đã được về hưu nghỉ ngơi thì mẹ vẫn phải lao động cực nhọc để kiếm cái ăn cho hai đứa em. Em thì ngồi một chỗ, em Lương thì phải bú mớm, tã lót nên không thể diễn tả hết sự vất vả của mẹ. Thấy mẹ cực nhọc quá, em bảo mẹ cho người khác nuôi bé Lương đi nhưng mẹ em không nghe. Mẹ bảo, mẹ vẫn còn chút sức lực mẹ sẽ cố nuôi bé Lương, để sau này khi không còn mẹ nữa, hai anh em còn có chỗ để dựa vào nhau mà sống...”.

Sơn khóc, cậu của Sơn - anh Trần Văn Khởi đứng bên cạnh cũng khóc. Anh Khởi, sau khi cõng Sơn vào phòng chụp X. quang, trở ra cho biết: Vợ chồng anh làm nghề nông, nhà có bốn đứa con, cũng nghèo khổ nên chẳng đỡ đần được gì cho mẹ con Sơn. Anh Khởi đưa Sơn ra Hà Nội chữa bệnh với chút hy vọng mong manh rằng, đôi chân của Sơn không phải do chất độc dioxin mà là bởi một lý do nào đó và sẽ được chữa khỏi. Cùng đưa Sơn đi chữa bệnh còn có anh Tùng, cán bộ xã Xuân Liên, chỉ là hàng xóm nhưng rất thương hoàn cảnh của mẹ con Sơn. Anh Tùng kể: Không chỉ ở xã, mà cả huyện Nghi Xuân hầu như ai cũng biết đến hoàn cảnh đáng thương của mẹ con chị Hà. Mẹ con chị Hà mà đi xe đò, xe khách là chẳng chủ xe nào lấy tiền. Chị Hà là một người phụ nữ nhân hậu, Sơn là một cậu bé ngoan ngoãn, thông minh. Chỉ tiếc cho số phận của em thiếu may mắn...

Trông chờ phép màu của lòng từ tâm

Theo lời kể của anh Tùng, Sơn là một cậu bé đầy nghị lực. Nhìn đôi chân cứ teo đi mỗi ngày, có lần em cắn bật máu môi vịn tường đứng dậy nhưng rồi lại đổ sụp xuống. “Chẳng thà nó bị từ hồi bé, đằng này tai họa nhằm đúng vào cái tuổi nhiều mộng mơ nhất để giáng xuống, nên càng khiến cho em khổ tâm hơn. Hồi đang còn đi học, mặc dù nhà nghèo, mẹ con côi cút nhưng năm nào Sơn cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Sơn lại biết làm thơ và hát rất hay nên ai cũng tiếc cho tương lai của em”, anh Tùng cho biết.

Tôi theo chân anh Khởi về thăm phòng trọ của Sơn. Nói là giường trọ thì đúng hơn, vì đó là một căn phòng ẩm thấp ở gần khu vực Bệnh viện Việt Đức với giá thuê 30.000 đồng/ngày. Nếu được nhập viện để chữa chạy, ban đầu gia đình Sơn phải đặt cọc 10 triệu đồng. Chị Hà về quê vay tiền, nhưng chỉ được 3 triệu đồng gửi ra cho con. Nhưng sau khi khám bệnh, bác sĩ bảo rằng, không thể phẫu thuật được, khiến mẹ con em Sơn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Với bài viết này, mong sao em sẽ nhận được nhiều sự cảm thông, trợ giúp của cộng đồng. Báo GĐ&XH xin được làm cầu nối những tấm lòng hảo tâm đến với mẹ con Sơn, mong sao những tình cảm từ muôn phương gửi về sẽ làm vợi bớt nỗi đau buồn mà họ đang phải gánh chịu.
 
Mọi giúp đỡ xin gửi về địa chỉ của chị Hà hoặc Báo GĐ&XH, 138A Giảng Võ, Hà Nội.

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, triệu chứng của Sơn là do di chứng chất độc dioxin nên khả năng phục hồi đôi chân là rất khó. Những bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi di chứng này thì có đến 98% là không thể phục hồi.
 
Theo Tiến sỹ Quyết, trong tình cảnh của Sơn, cách tốt nhất là nhận được nhiều nguồn hỗ trợ để em được phục vụ ăn uống đầy đủ và chăm sóc tốt nhất có thể. Hiện nay, Trung tâm Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Bạch Mai là nơi điều trị tốt nhất cho những bệnh nhân này.

 Lâm Vũ