Chỉ với 3 phiên mất điểm, trong đó có 2 phiên giao dịch với biên độ mới lớn hơn (3%), chỉ số VN-Index đã mất trọn số điểm đã có được trong đợt hồi phục trước đó.
Ảnh minh hoạ: LAD
Sau 25 phiên giảm điểm liên tiếp (kể từ ngày 5/5 tới 11/6) với tổng số điểm mất là 151,91 điểm (tương đương 29,25%), chỉ số VN-Index đã có 4 phiên hồi phục với sức cầu cổ phiếu rất lớn, trong khi lượng bán ra suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tình trạng ảm đạm mua ít, bán nhiều đã xuất hiện trở lại từ giữa tuần. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (20/6), đa số cổ phiếu niêm yết trên Sàn chứng khoán TP.HCM lại giảm hết biên độ cho phép mới là 3%, kéo chỉ số VN-Index tiếp tục giảm điểm khá mạnh. TIN LIÊN QUAN
Cụ thể, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM đã giảm 7,25 điểm (tương đương giảm 1,94%) xuống 366,02 điểm, thấp hơn cả mức thấp kỷ lục trong 2 năm vừa được lập ngày 11/6 vừa qua.
Như vậy, vừa hồi phục được 4 phiên trước đó với tổng cộng 14,26 điểm, VN-Index lại đã quay đầu giảm tới 18,69 điểm.
Một số nhà đầu tư có mặt trên sàn chứng khoán Kim Long sáng nay cho biết, trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hoá chủ chốt hiện nay biến động bất thường và có xu hướng tác động xấu tới chứng khoán thì giải pháp của họ là chờ đợi. Đây là lý do khiến cầu cổ phiếu giảm khá mạnh.
Được biết, giá vàng trên thế giới đã lên sát 900 USD/ounce, còn trong nước đã lên trên ngưỡng 19 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá dầu vẫn đứng ở ngưỡng cao trên 130 USD/thùng. Giá một số nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh khác như phôi thép… đang trên đà tăng giá mạnh.
Trong khi đó, theo anh Huy Hoàng, một nhà đầu tư tại sàn Habubank, việc các ngân hàng vẫn đang đua nhau tăng lãi suất (nhiều nơi đã lên tới khoảng 19%/năm) là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng có thể vẫn đang thiếu vốn.
“Nếu đúng là như vậy thì việc giải chấp các cổ phiếu cầm cố có thể lại được đẩy mạnh. Và đây là lý do khiến cung cổ phiếu tăng mạnh”, anh Hoàng nhận định.
Giống như trong phiên giao dịch 19/6, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (20/6), dư bán còn rất nhiều ở hầu hết các mã cổ phiếu. Trong khi đó, dư mua trống trơn ở gần 100% các mã.
Do lượng đặt mua thấp nên khối lượng giao dịch tiếp tục đứng ở mức thấp.
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh phiên này đạt 7 triệu đơn vị, trị giá là 229,5 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với hơn 24 triệu đơn vị trong phiên ngày 18/6 trước khi mở biên độ.
Hầu hết các cổ phiếu chủ chốt trên sàn như STB, SSI, FPT, DMP, GMD, HPG, PPC, PVD, REE… đều giảm giá mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch, hơn 80% trong tổng số các cổ phiếu niêm yết trên Sàn chứng khoán TP.HCM giảm giá.
Cụ thể, trong tổng số 156 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (thêm VKP của CTCP Nhựa Tân Hoá chính thức đưa 8 triệu cổ phiếu vào giao dịch hôm 19/6), chỉ có 13 mã tăng giá, 9 mã đứng giá, 3 mã không có giao dịch, còn lại là 131 mã giảm giá.
Phiên sáng nay tiếp tục có thêm một số mã cổ phiếu đáng chú ý tăng giá. Trong số 13 mã tăng giá có 7 mã tăng trần bao gồm: AGF của Thuỷ sản An Giang (tăng 700 đồng lên 25.700 đồng/cổ phiếu), KDC của CTCP Kinh Đô (tăng 2.000 đồng lên 78.500 đồng/cổ phiếu)...
Về khối lượng khớp lệnh, cổ phiếu SSI của Chứng khoán Sài Gòn đứng đầu với hơn 2,9 triệu đơn vị được chuyển nhượng (chiếm gần 42% giao dịch khớp lệnh của toàn thị trường). Phần lớn lượng giao dịch của cổ phiếu SSI được mua bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Các mã có khối lượng giao dịch lớn khác bao gồm: DPM của Đạm Phú Mỹ (688.760 cổ phiếu), VIC (272.120 cp), PVD (256.270 cp), STB (251.780 cp), REE (234.510 cp), SBT (154.880 cp), VNM (154.500 cp)...
▪ Vàng, đô la lại nhảy múa (20/06/2008)
▪ “Vay VNĐ bằng lãi suất ngoại tệ là điều không thể” (19/06/2008)
▪ Vn-Index hướng tới mốc 400 điểm (18/06/2008)
▪ Nâng biên độ chứng chứng khoán thêm 1% (17/06/2008)
▪ Bùng nổ FDI với 23 tỉ USD (16/06/2008)
▪ Chứng khoán: Đã đến thời điểm đầu tư? (16/06/2008)
▪ Niêm yết bằng USD: Khách dè dặt mua (14/06/2008)
▪ Vay vốn ngân hàng: Không phí, chỉ có lãi suất (14/06/2008)
▪ Ngoại tệ ngược dòng (13/06/2008)
▪ Ngân hàng tăng lãi suất, doanh nghiệp lo (12/06/2008)