Bùng nổ FDI với 23 tỉ USD
Các Website khác - 16/06/2008

 

Sản xuất chân vịt tàu thủy tại Công ty Juki Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM  - Ảnh: T.T.D
TT - Dù kinh tế vĩ mô đang tạm thời gặp khó khăn nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến và đổ vốn vào VN. Dự kiến sáu tháng đầu năm 2008, VN thu hút được 23 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Năm 2007 được xem là thành công về thu hút vốn FDI với 20,3 tỉ USD, nhưng con số này sẽ sớm bị qua mặt và hiện VN đang nỗ lực để thúc đẩy giải ngân dòng vốn FDI với mục tiêu 1 tỉ USD/tháng.

"Nankang của VN"

Dự án xây dựng công viên phần mềm Thủ Thiêm, vốn đầu tư đăng ký 1,25 tỉ USD, do Công ty liên doanh giữa SaigonTel (thành viên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - SGI) và Công ty TA Associates International, Pte Ltd của Singapore - thành viên của Tập đoàn Teco (Đài Loan) - làm chủ đầu tư sẽ được UBND TP.HCM trao giấy phép đầu tư. Trên diện tích gần 16ha nằm dọc đại lộ đông - tây thuộc khu đa chức năng của khu đô thị mới Thủ Thiêm, chủ đầu tư sẽ xây dựng thành TP gia công phần mềm xuất khẩu, thiết kế vi mạch, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao... với doanh số kỳ vọng hằng năm trên 6 tỉ USD.

"Nơi đây giống như một TP thu nhỏ bởi không chỉ là nơi dành cho những nhà máy không khói mà còn cung cấp những dịch vụ, tiện ích như khu trung tâm thương mại, cao ốc cho thuê, dịch vụ giải trí... phục vụ các chuyên gia làm việc" - ông Huỳnh Ngọc Huy, phó tổng giám đốc SaigonTel, cho biết. Ngoài 1,25 tỉ USD do liên doanh này đầu tư, công viên phần mềm Thủ Thiêm hi vọng thu hút thêm 2,95 tỉ USD từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đây đặt nhà máy.

"Đối tác của chúng tôi là Tập đoàn Teco hiện đang quản lý, điều hành Trung tâm phần mềm Nankang (vốn đầu tư 3,5 tỉ USD) có doanh số hằng năm 10 tỉ USD. Nankang được đánh giá là một trong ba trung tâm phần mềm lớn nhất thế giới. Những kinh nghiệm thành công của Nankang cùng với tên tuổi Teco sẽ giúp thu hút đầu tư vào công viên phần mềm Thủ Thiêm, đó là những điều khiến chúng tôi có thể tự tin!" - ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch Tập đoàn SGI, chia sẻ.

Thêm nhiều nhà đầu tư "khó tính"

6 tháng sẽ thu hút hơn 23 tỉ USD vốn FDI

Ông Phan Hữu Thắng dự báo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong sáu tháng đầu năm sẽ vượt ngưỡng 23 tỉ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Ông Thắng nhận xét: "Có khoảng năm dự án lớn, trong đó có dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn 6 tỉ USD, sẽ được cấp phép từ nay đến cuối tháng sáu. Điều đáng mừng nữa là vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đang tăng lên!".

Trong tuần này, 14 công ty Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực do trợ lý bộ trưởng thương mại Mỹ dẫn đầu sẽ đến VN tìm cơ hội kinh doanh và đầu tư. Đây là đoàn doanh nghiệp lớn thứ ba do các quan chức cấp cao dẫn đầu từ Mỹ sang VN kể từ đầu năm đến nay.

"Việc những công ty vừa và nhỏ đến theo sau những công ty lớn là tín hiệu tốt cho thấy người Mỹ đánh giá rất cao thị trường VN. Các công ty nhỏ thường thận trọng, ngại rủi ro hơn nên việc họ đến chứng tỏ đã có một niềm tin nhất định với thị trường này" - một chuyên viên Thương vụ Mỹ đánh giá.

Trở về từ châu Âu, ông Đặng Thành Tâm nói: "Nhiều tập đoàn kinh tế ở châu Âu rất quan tâm đầu tư vào VN. Có quĩ đầu tư quản lý khoảng 30 tỉ USD ở Na Uy nổi tiếng là bảo thủ khi quyết định đầu tư ra nước ngoài nhưng lại rất quan tâm đến VN. Tôi không nghĩ là đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm do những khó khăn hiện tại ở VN, vì các nhà đầu tư dài hạn đều hiểu những khó khăn đang diễn ra ở VN chỉ là tạm thời".

Theo ông Phan Hữu Thắng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tín hiệu đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều cho thấy khả quan trong thời gian tới. "Người Nhật rất cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu rụt rè của họ qua cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua ở Tokyo và Osaka. Sắp tới chúng ta sẽ thu hút được đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao của họ” - ông Thắng nói.

Nỗ lực làm hài lòng nhà đầu tư

Mặc dù vốn vẫn đổ vào VN nhưng cuộc khảo sát mới được công bố hồi đầu tháng sáu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy niềm tin của các công ty Nhật về môi trường kinh doanh tại VN có giảm sút. "Mức độ hài lòng của các công ty Nhật Bản tại VN đối với địa điểm sản xuất hiện tại đã giảm mạnh từ 75,4% (năm 2006) xuống còn 41,7% (năm 2007)" - báo cáo nêu. Công nghiệp phụ trợ là điều các nhà đầu tư Nhật Bản quan ngại nhất, 26,5% so với mức trung bình của khu vực là trên 40%. Các công ty Nhật Bản cũng than phiền về cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp điện năng... của VN.

Chưa hết, thủ tục hành chính sau một thời gian được cải thiện đáng kể ở khu vực phía Nam nay cũng có vấn đề. Các nhà đầu tư than phiền thời gian chờ được cấp giấy chứng nhận đầu tư ở Sở KH-ĐT TP.HCM lâu hơn trước đây và lâu hơn nhiều so với Hà Nội. Luật gia Phạm Đình Hưng, Hội Luật gia TP.HCM, nêu ví dụ: "Sở KH-ĐT TP.HCM đòi hỏi nhà đầu tư phải xuất trình hợp đồng thuê văn phòng khi nộp hồ sơ thành lập công ty là không đúng. Trước đây có qui định này nhưng có lẽ các nhà hoạch định chính sách thấy rõ cái bất hợp lý tương tự câu chuyện "con gà có trước hay quả trứng có trước" nên đã bãi bỏ, vậy mà chuyên viên sở vẫn yêu cầu".

Ông Phan Hữu Thắng khẳng định: "Chúng tôi đã nghe những phản ảnh của nhà đầu tư và đang cùng các địa phương tháo gỡ. Chính phủ đã đầu tư lớn cho nhiều công trình cơ sở hạ tầng, trong một, hai năm tới tình hình sẽ được cải thiện. Sẽ có hướng xử lý vướng mắc sau khi có báo cáo của các tỉnh, thành về khảo sát tình hình triển khai các dự án đầu tư. Năm nay thúc đẩy giải ngân cho các dự án đầu tư là ưu tiên số 1 của chúng tôi".

7,8 tỉ USD cho khu liên hợp thép

UBND tỉnh Hà Tĩnh và Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khu liên hợp sản xuất gang thép và cảng biển Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan), có tổng vốn đầu tư trên 7,87 tỉ USD (giai đoạn 1). Công trình cảng Sơn Dương có tổng diện tích 1.500ha, tổng mức đầu tư 619 triệu USD. Khu liên hợp sản xuất gang thép có tổng diện tích 2.000ha, công suất 7,5 triệu tấn/năm.

Giai đoạn 2, Tập đoàn Formosa sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhằm nâng công suất bốc dỡ của cảng lên 55-60 triệu tấn/năm, công suất nhà máy thép được nâng lên 15 triệu tấn/năm với tổng vốn gần 8,4 tỉ USD.  

L.Giang 

LÊ NGUYÊN MINH