2008 - năm có nhiều tin đồn nhất trong kinh doanh
Các Website khác - 22/12/2008

Sau xăng dầu, xi măng, sắt thép lại đến lúa gạo bị đồn tăng giá. Các đại gia chứng khoán cũng được dịp bị nghi ngờ khi thị trường xuống dốc. 2008 được coi là năm VN phải đối phó với nhiều loại tin đồn nhất.

1. Thuế ôtô tăng gấp đôi

Đầu tháng 3, Hà Nội chứng kiến cảnh những người có nhu cầu xe hơi đổ xô đến các đại lý, showroom ôtô để mua xe vì tin đồn phí trước bạ có thể tăng gấp đôi và thuế nhập khẩu có khả năng tăng kịch trần 100%. Ngay cả những người chưa có nhu cầu xe hơi thực sự cũng dốc tiền tích góp ra để tậu xe. Họ lo ngại chính sách thuế được điều chỉnh cũng đồng nghĩa với việc giá ôtô có thể tăng.

Xếp hàng chờ đăng phí trước bạ ôtô. Ảnh: T.P.

Sau phí trước bạ, các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT cũng lần lượt bị đồn sẽ tăng trong ngay những tháng đầu năm, bất chấp việc Bộ Tài chính khẳng định vẫn xem xét chứ chưa có kế hoạch cụ thể. Giới kinh doanh hỷ hả vì doanh số bán hàng tăng cao, những đơn đặt hàng xe hạng sang và siêu sang tăng đều đều trong các tháng.

Thực tế, phải nửa năm sau, phí trước bạ mới tăng, thuế VAT sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2009, còn thuế tiêu thụ đặc biệt phải lùi đến tháng 4/2009.

2. Đại gia chứng khoán bị bắt

Trong khi Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng vẫn chủ trì các cuộc họp nội bộ, dư luận rộ lên tin đồn ông bị bắt vì những vi phạm trong hoạt động chứng khoán.

Những thông tin liên quan đến sự thiếu minh bạch trong tài chính của ông Hưng bắt đầu bung ra từ những ngày đầu tháng 3, sau đó lan nhanh trên các sàn chứng khoán. Thậm chí, giới kinh doanh chứng khoán TP HCM còn râm ran truyền miệng tin ông Hưng bị bắt vì tùy tiện nâng vốn của SSI, gian lận trong đấu giá cổ phiếu nhiệt điện Phả Lại. Chiều 12/3, SSI phát đi văn bản bác bỏ tin thất thiệt này và khẳng định ông Hưng vẫn có mặt tại Hà Nội để họp với đối tác và việc ông bị cơ quan điều tra triệu tập hoàn toàn không có.

Ông Hưng trao đổi với VnExpress.net chiều 12/3 tại phòng làm việc. Ảnh: T.D.

Đây là lần đầu tiên có tin đồn Tổng giám đốc một công ty chứng khoán bị bắt vì những vi phạm trong hoạt động giao dịch. Thông tin này được giới đầu tư chứng khoán hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh thị trường nhạy cảm hiện nay. Có nhà đầu tư trên sàn SSI còn e ngại tin đồn này sẽ ảnh hưởng đến "sức khỏe" của cổ phiếu SSI trong các phiên giao dịch sau đó.

Tin Tổng giám đốc SSI bị bắt dần tạm lắng thì khoảng một tuần sau lại bung ra thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDirect - Phạm Minh Hương bị bắt. Nhưng lần này, Chủ tịch của VNDirect xử lý kinh nghiệm bằng việc tiếp xúc ngay với giới báo chí để bác bỏ tin đồn. Bà nhận định luồng tin này có thể xuất phát từ việc bà đang hợp tác thông tin với cơ quan điều tra về một giao dịch kinh tế. Hai tháng trước, VNDS đã cung cấp thông tin và tài liệu cho cơ quan công an về một sản phẩm ủy thác đầu tư mà công ty mua lại trên thị trường thứ cấp từ vài năm trước.

3. Cơn sốt gạo lịch sử

Cuối tháng 4, trùng thời điểm thế giới đang trong cơn khát lương thực trầm trọng, nhiều người dân Sài Gòn trải qua những thời khắc hoảng loạn chưa từng có khi tin thiếu gạo chẳng biết bắt nguồn từ đâu nhanh chóng lan truyền toàn thành phố. Lo sợ sẽ không còn gạo để ăn, nhà nhà đổ xô đi mua dự trữ, bất chấp giá gạo tăng gấp 3 lần. Một kg gạo giá từ 8.000-10.000 đồng vụt lên 25.000-30.000 đồng. Tại các chợ, nhiều người đã chen lấn, tranh nhau mua cho được cả 100 kg gạo để mang về nhà dự trữ. Nhiều siêu thị buộc phải ra quy định, mỗi khách chỉ được mua 10 kg.

Gạo liên tục được niêm yết giá bán mới. Ảnh: T.C.

Lãnh đạo TP HCM, Hiệp hội lương thực VN rồi Chính phủ phải lần lượt ra thông cáo đây chỉ là tin đồn thất thiệt của giới đầu cơ, ghìm giá, thậm chí những doanh nghiệp không có chức năng xuất khẩu gạo cũng gom hàng dự trữ. Các cơ quan chức năng vào cuộc đã dập tắt cơn sốt gạo ảo chưa từng có. Tuy nhiên, phải mất hơn một tháng, thị trường gạo tại TP HCM mới dần "lắng" lại nhưng giá bán vẫn cao hơn so với mức bình thường trước cơn sốt.

Tuy chỉ diễn ra hai ngày (26 và 27/4), nhưng tin đồn thiếu gạo đã kịp gây nhiều tổn thất cho người tiêu dùng khi phải mua với giá quá cao. Hệ quả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn thành phố 5 tháng đầu năm vươn lên mức cao nhất trong vòng 3 năm; tốc độ tăng của tháng 5 so tháng 4 thuộc dạng "đỉnh" trong năm 2008, với 4,24%.

4. Một lít xăng giá 26.000 đồng

Ngày 5/8, TP HCM rộ lên thông tin có thể giá nhiên liệu sắp "leo" lên đến 26.000 đồng. Chưa hết sốc vì giá xăng A92 vừa được điều chỉnh một bước từ 14.000 lên 19.000, người dân Sài Gòn tất tưởi đem thùng, can đi mua xăng dự trữ tạo nên cảnh ùn tắc chưa từng có tại các cửa hàng. Để trấn an khách, nhiều cây xăng treo bảng bán giá bình thường. Chiều tối cùng ngày, Bộ Công Thương phải ra văn bản khẩn cấp bác bỏ việc xăng sẽ lên giá.

Người dân xếp hàng tại Trạm xăng dầu góc đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM để mua xăng. Ảnh: T.C.

Chi cục quản lý thị trường thông báo đường dây nóng để người dân phát giác kẻ tung tin đồn. Lực lượng công an vào cuộc điều tra.

Một số người phỏng đoán, tin đồn xuất phát từ giới kinh doanh xăng dầu khi muốn đẩy hàng đi nhanh trước tình hình chung giá thế giới đang giảm. Tuy nhiên, đến nay thủ phạm thực sự của tin đồn này vẫn chưa được công bố.

5. Đối tác ngoại rút vốn khỏi Sacombank

Đầu tháng 11, thị trường chứng khoán lan đi thông tin đối tác chiến lược ANZ rút vốn khỏi ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) để lo cho ngân hàng con 100% của họ vừa được cấp phép.

Ngày 11/11, Sacombank đã phát đi thông cáo khẳng định chưa nhận được đề xuất nào về việc rút vốn của ANZ. Chủ tịch Sacombank - Đặng Văn Thành cho rằng theo hợp đồng, khi ANZ bán cổ phần thì phải thông báo trước. Mặt khác, theo quy định của Bộ Tài chính, khi bán cổ phiếu, cổ đông nội bộ và cổ đông lớn bắt buộc phải đăng ký với Sở Giao dịch chứng khoán và công bố thông tin theo quy định hiện hành. Hiện Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cũng chưa nhận được đăng ký từ ANZ.

6. Tổng giám đốc FPT thôi chức

Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Gia Bình. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngày 8/12, tin đồn ông Trương Gia Bình thôi chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần FPT lan nhanh trên thị trường khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về một FPT khi thiếu vắng vị thủ lĩnh tinh thần.

Thực ra, tin đồn này xuất phát từ việc FPT phát đi thông báo từ ngày 1/12, ông Trương Gia Bình thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phần mềm FPT (FSOFT). FSOFT là công ty thành viên của Tập đoàn FPT. Thay vị trí lãnh đạo cấp cao của ông Bình tại FSOFT từ ngày 1/12 là ông Nguyễn Thành Nam, vốn là tổng giám đốc công ty.

Khi thông tin trên được công bố, nhiều nhà đầu tư nhầm lẫn rằng, FPT thay đổi nhân sự cấp cao. Giới đầu tư bàn luận xôn xao về triển vọng của tập đoàn, khi người có vai trò quan trọng đưa tập đoàn phát triển như ngày nay, ông Trương Gia Bình, thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Những đồn đại này đã phần nào ảnh hưởng đến "sức khỏe" cổ phiếu FPT. Giá cổ phiếu FPT 6 ngày giao dịch đầu tháng 12 xen lẫn những phiên tăng giảm.

  
 

Nhóm phóng viên