Ai được, ai mất?
Các Website khác - 22/12/2008

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi lãi suất trữ hàng tết nhằm bình ổn giá được UBND TP.HCM thực hiện từ nhiều năm nay được kỳ vọng sẽ góp phần kiềm cơn sốt giá, còn bất cập

Metro không được hỗ trợ bình ổn giá, nhưng vẫn cung cấp được hàng giá rẻ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Sở Công thương thành phố dự báo, sức tiêu dùng tết Nguyên đán năm nay tuy giảm hơn mọi năm nhưng vào những ngày cận và sau tết, nhu cầu vẫn sẽ tăng 30% so với ngày thường.

Giá ưu đãi không đến người tiêu dùng

Chính vì vậy, chỉ tính riêng mặt hàng gia cầm, số lượng tiêu thụ trong vòng mười ngày trước và sau tết có thể tăng gấp ba, gấp bốn lần so với bình thường, tương đương trên dưới sáu triệu con (khoảng 6.000 tấn). Trong khi đó, số lượng thịt gia cầm mà doanh nghiệp dự trữ bình ổn chỉ vỏn vẹn 2.000 tấn, chiếm 1/3 thị phần so với nhu cầu thực tế sẽ không có tác dụng nhiều để giữ giá thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chỉ có một số ít người dân, chủ yếu tập trung ở khu trung tâm thành phố mua được thịt gà giá ưu đãi, giảm 5 – 10%.

Qua theo dõi nhiều năm cho thấy, chương trình trợ giá còn vô tình giúp cho nhiều đối tượng mua bán nhỏ lẻ lợi dụng mua gom hàng trợ giá đem ra ngoài bán hưởng chênh lệch. Đơn cử như tết Nguyên đán 2004, 2005, một ký thịt gà bán trợ giá trong hệ thống siêu thị, cửa hàng của các doanh nghiệp có 35.000 đồng, thấp hơn nhiều so với giá thực tế 70.000 – 80.000 đồng bán tại các chợ lẻ. Giới tiểu thương thấy vậy đã nhanh chân gom sạch đem ra ngoài bán hưởng chênh lệch. Bên cạnh đó, một khi doanh nghiệp chưa phủ khắp hệ thống cửa hàng bán lẻ ở 23 quận huyện thì những người dân ngoại thành rất khó có thể mua được mặt hàng bình ổn giá trong mấy ngày tết… Một gia đình ở Cần Giờ hay Củ Chi… sẽ không có điều kiện lên các quận trung tâm mua vài ký thịt, gạo, rau trong siêu thị có giá rẻ hơn được.

Để bình ổn giá, ngoài việc có trong tay lượng hàng áp đảo thị trường, yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động nguồn hàng thực phẩm. Nghĩa là ở đây, doanh nghiệp phải có trại nuôi heo, gà… hoặc ít nhất cũng liên kết với nông dân, đầu tư vốn, chuyển giao kỹ thuật cho họ nhằm cắt giảm chi phí đầu vào mới thu được phẩm giá thành hạ. Nhưng thực tế, hầu hết doanh nghiệp được nhận tiền ngân sách thực hiện nghĩa vụ bình ổn giá đều phải mua gom hàng trôi nổi trên thị trường.

Không bình đẳng

Để người tiêu dùng mua sản phẩm giá rẻ thì cái gốc vấn đề là phải đầu tư trực tiếp vào sản xuất cho nông dân. Nếu cứ rót tiền cho doanh nghiệp sẽ đưa đến tình trạng bất bình đẳng, mà ở đây chỉ có nông dân và những doanh nghiệp không được “chọn mặt gởi vàng” tham gia trữ hàng là chịu thiệt. Chẳng hạn, bảy doanh nghiệp giết mổ tại trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn cung cấp tới 60% tổng số lượng gia cầm tiêu thụ hàng ngày tại TP.HCM, dịp tết có khi lên tới 70%, vẫn không được liệt vào danh sách được ưu đãi lãi suất trữ hàng tết. Nhiều năm nay, những doanh nghiệp này lại thấp thỏm, lo lắng tìm kế sách đối phó với sự cạnh tranh của một vài doanh nghiệp được thành phố rót tiền trữ hàng bình ổn. Họ cho rằng, với số lượng 2.000 tấn thịt gia cầm dự trữ tết, phân bổ cho một vài đơn vị như Phú An Sinh, Huỳnh Gia Huynh Đệ… tuy không chiếm thị phần lớn trên thị trường, nhưng với việc số lượng gà này bán rẻ hơn 5 – 10% cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả người chăn nuôi cũng đang gánh chịu thiệt thòi từ chương trình bình ổn giá đưa đến. Ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ trại gà lông màu trên 300.000 con, lớn nhất vùng Đông Nam bộ (Long Khánh, Đồng Nai) bức xúc nói: “Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tết là thương lái lại kiếm cớ ép giá gà của người chăn nuôi vì so sánh giá gà thịt tại TP.HCM bán rẻ hơn thị trường 5 – 10%”. Theo ông Sơn, chính sách bình ổn giá của TP.HCM chỉ mang đến cái lợi cho doanh nghiệp. “Nếu nguồn ngân sách 409 tỉ đồng đầu tư trực tiếp cho người chăn nuôi nâng cấp chuồng trại, mua con giống, thức ăn, thuốc thú y thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với rót cho doanh nghiệp”, ông Sơn khẳng định.

Đặng Hoàng