Dù thực tế, việc cho vay vẫn còn không ít nhiêu khê, song các ngân hàng thương mại đã quay về tình cảnh chạy đôn chạy đáo với nỗi lo... ế vốn!
Tưng bừng khuyến mại
Cho đến thời điểm cuối tháng 12 này, từ những “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước đến các “tân binh” ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đều có các chương trình “kích cầu” rầm rộ.
Ngày 19/12, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất cơ bản. Theo đó, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam giảm từ 10%/năm xuống 8,5%/năm; lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng giảm từ 15%/năm xuống 12,75%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 11%/năm xuống 9,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 9,0%/năm xuống 7,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng giảm từ 11%/năm xuống 9,5%/năm. |
Dạo qua thị trường vốn mùa “hút khách” có thể thấy tràn lan những lời “mời gọi” hấp dẫn. Ngân hàng TMCP Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) với “Lì xì đầu Xuân” dành cho các chủ thẻ chính của thẻ MasterCard cơ hội nhận quà lì xì năm mới có trị giá từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đưa hẳn khuyến mại “Tháng vàng ACB” cho khách hàng mới và khách hàng gửi thêm từ 3 tỷ đồng hoặc tương đương trở lên.
Bên cạnh mức lãi suất cạnh tranh, mỗi khách hàng cam kết được nhận một phần quà tặng lên đến 3 chỉ vàng ACB trong thời gian khuyến mại mà vẫn được quyền rút vốn trước hạn. Ngân hàng Đại Dương (OCB) triển khai chương trình tiết kiệm “Vui cùng OCB”, với số tiền gửi từ 2.000.000 đồng hay 200USD trở lên trong kỳ hạn ngắn 1 tháng, ngoài lãi suất thông thường khách hàng còn được 1 “Phiếu dự thưởng” nhiều phần quà hấp dẫn. Hay như Ngân hàng Quân đội (MB) với chương trình “Tiết kiệm MB, lì xì tiền tỷ” nhân dịp năm mới bằng hình thức quay số trúng thưởng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với chương trình “Mừng sinh nhật vàng, vạn lời tri ân”; Ngân hàng TMCP Liên Việt (LietViet Bank) với chương trình “Nhận tiền nhanh - dành quà lớn”...
Vô số các chương trình khuyến mại đã được tung ra. Đây là dịp để các ngân hàng thu hút khách hàng thường niên vào cuối năm như trước đây, nhưng không khí khuyến mại năm nay còn có ý nghĩa khác. Nếu như năm ngoái, các chương trình này có thể được coi là hành động “tri ân khách hàng”, chia sẻ niềm vui lợi nhuận thì năm nay, đó là sự “co kéo” khách hàng lúc kinh doanh sa sút, hoạt động cho vay khó khăn.
|
Nhiều chương trình khuyến mại được các ngân hàng tung ra nhằm thu hút khách hàng. Ảnh: Chí Cường. |
Ngân hàng gặp khó
Nếu như trong thời điểm cách đây ít tháng, nhiều ngân hàng lao đao vì khả năng thanh khoản kém, nguy cơ bất ổn cao về vốn thì bây giờ, hiện trạng “dư tiền” đang làm đau đầu các nhà kinh doanh tiền tệ. Sụt giảm đầu tư; kinh doanh, xuất khẩu kém; suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến chu trình quay vòng vốn của doanh nghiệp và cũng trực tiếp “gây khó” cho ngân hàng.
Thời gian gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu chung của việc giảm áp lực cho nền kinh tế, tăng cường “kích cầu” theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cho ra các quyết định về điều chỉnh giảm lãi suất. Đây được coi là một trong số những động thái nhằm tích cực phá giải tình trạng “thiểu phát”, đưa nguồn vốn tiếp cận hơn với doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức nữa với các ngân hàng.
Ông Phan Hiệp, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Thanh Xuân (Hà Nội) phân tích, lãi suất thấp hiện nay cũng khiến việc kinh doanh gặp khó. Rất nhiều ngân hàng trước đây, để đảm bảo khả năng thanh khoản đã phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với mức lãi suất cao. Đến nay, mức lãi suất đó có nơi vẫn đang phải “gánh” trong khi lại đi cho vay với mức lãi suất thấp hơn nhiều, tình trạng “lõm” là tất yếu.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Liên Việt cho rằng: Việc hạ lãi suất hiện nay sẽ khiến không ít ngân hàng TMCP nhỏ, kém khả năng thanh khoản gặp khó. Bên cạnh đó, thị trường vàng và ngoại hối cũng sẽ ít nhiều có biến động theo như một lẽ thường tình của mỗi kỳ hạ lãi suất.
Các cuộc khuyến mại rầm rộ cuối năm kiểu “dội bom tấn” của các ngân hàng vẫn tiếp diễn, dù thực tế nhiều khi chính họ cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Khách hàng dần tiếp cận được với nguồn vốn để đẩy mạnh phát triển sản xuất cho chu trình kinh doanh trong năm mới song, các ngân hàng thì đã, đang và sẽ tiếp tục gặp phải không ít khó khăn trong điều kiện hiện nay.
Lam Giang