Ăn xổi!
Các Website khác - 14/09/2005
Ăn xổi!
Tô Thành

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới. Đó là điều đáng đặt ra nhiều suy nghĩ, không phải chỉ theo hướng tích cực, là từ nước thiếu gạo nay đã xuất khẩu nhiều gạo. Dự báo năm 2005 này, Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo, mang về khoảng 1,2 tỉ USD.

Vấn đề đặt ra là số gạo rất lớn ấy chỉ bán với giá trung bình 256USD/tấn.

Đại diện Vina Food cho hay, khi đối tác nước ngoài muốn mua gạo cao cấp thì họ chọn Thái Lan, mua gạo cấp thấp thì chọn Việt Nam, do chất gạo của ta chưa tốt. Chưa tốt từ khâu chọn giống, canh tác, đến khâu chế biến, bảo quản. Từ những hạn chế nói trên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho rằng, vướng mắc lớn nhất của gạo Việt Nam là chất lượng chưa được đầu tư đúng mức, và doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng gạo.

Như thế phải chăng gạo Việt Nam hiện chỉ có thể ở mức chất lượng thấp và chỉ bán được giá thấp?

Xin thưa rằng không!

Ngày 6.9.2004, Bộ Nông lâm ngư Nhật Bản tổ chức đấu thầu mua gạo, và Việt Nam đã trúng thầu lô gạo nếp 80 tấn với giá 99.500yen (JPY)/tấn - tương đương 900USD/tấn. Người ta cũng biết rằng trong năm 2005 này, tính đến ngày 5.9, chúng ta đã xuất được 72.024 tấn gạo với giá trung bình 40.000yen/tấn. Như thế tức là gạo Việt Nam không chỉ đạt mức chất lượng cao, mà còn có thể rất cao nếu được chăm sóc đúng quy trình, vậy thì tại sao lại phải chịu thân phận giá bèo?

Các đại gia xuất khẩu gạo của ta, ngoài việc kiếm lời, còn được dịp kể công: Chúng tôi đã mua hết số lúa tồn đọng trong dân với giá đảm bảo cho dân có lãi chút ít! Nhưng thực chất họ vẫn là anh ăn xổi!

Từ chuyện cây lúa, hạt gạo nghĩ đến chuyện của cây chè. Các liên doanh sản xuất chè ở Việt Nam đã đầu tư từ cây giống, kỹ thuật chăm bón thu hoạch bảo quản chế biến, thế nên họ có năng suất cao, giá bán cao, tất nhiên thu lãi lớn.

Tại sao không học tập họ?