"Bão" đánh tan cổ phần hoá
Các Website khác - 08/10/2005
Chuyện kỳ lạ ở Nam Định:
"Bão" đánh tan cổ phần hoá
Đỗ Văn


Trong cơn bão số 7 vừa qua, Nam Định là một địa phương nằm trong rốn bão, cả trăm mét đê biển Thịnh Long bị bão biển đánh tan. Thế nhưng, điều kỳ lạ là "dư chấn" của cơn bão này còn phá tan cả một quá trình cổ phần hoá (CPH) được chuẩn bị công phu và dân chủ tại Cty kinh doanh và phát triển nhà ở (KDPTN) Nam Định.

GĐ Trần Đức Nam cổ vũ cho
phương án CPH mới.
Cơn bão không đúng lúc

Tính đến 16h ngày 22.9 (tức là thời điểm khoá sổ cho các nhà đầu tư bên ngoài đăng ký, đặt cọc mua cổ phần bán đấu giá), quá trình CPH Cty KDPTN Nam Định vẫn suôn sẻ.

Số cổ phần lần đầu bán đấu giá ra thị trường thông qua Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp NĐ) là 173.700 cổ phiếu, với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần và người đặt mua nhiều cổ phiếu nhất là ông Trần Đức Nam - Giám đốc Cty KDPTN Nam Định - với 85.500 cổ phiếu, tương đương với 855 triệu đồng. Dự kiến phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 27.9.

Tuy nhiên, trong đơn khiếu nại gửi Báo LĐ, một nhà đầu tư bên ngoài đã đăng ký mua 50.000 cổ phiếu - đặt cọc 50 triệu đồng - bức xúc viết: "Không hiểu vì động cơ gì, ông Giám đốc Cty KDPTN Nam Định - thành viên của Ban chỉ đạo CPH Cty, cũng đồng thời là người đăng ký mua nhiều cổ phần nhất - đã có những phản ứng bất thường: Tự ý huỷ bỏ cuộc đấu giá bán cổ phần mà không có một thông báo hay quyết định chính thức nào của cấp quyết định phê duyệt phương án và chuyển sang CPH; tự ý quyết định trả lại tiền đặt cọc cho nhà đầu tư và tuyên bố sẽ thay đổi phương án CPH".

Sáng 5.10, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh NĐ, người đã ký quyết định phê duyệt phương án và chuyển Cty KDPTN thành Cty cổ phần - cho PV Báo LĐ biết: "Cty có đề nghị thay đổi, nhưng tỉnh chưa có quyết định gì. Trong cơn bão vừa rồi nảy sinh vấn đề, nếu không có vai trò của Nhà nước thì rất khó di dời dân, tu sửa nhà. Cho nên, tỉnh sẽ tranh thủ ý kiến Bộ XD thế nào cho thuận, để Cty CPH xong vẫn đảm bảo vừa kinh doanh, vừa mang tính xã hội. Còn bản thân tôi cũng muốn bán hết 100% vốn của Nhà nước tại Cty này".

Không "ăn" được thì đạp đổ?
Để đảm bảo tính "dân chủ" và "công khai" trong việc đề nghị không bán hết 100% vốn nhà nước nữa, mà giữ lại 30% vốn, đồng thời nâng vốn điều lệ từ 3,079 tỉ đồng lên 5 tỉ đồng, chiều 4.10, ông Trần Đức Nam - Giám đốc Cty - đã tổ chức họp lấy ý kiến biểu quyết của tập thể CBCNV Cty.

Theo ông Nam, lý do không tổ chức bán đấu giá đúng quy định về mặt khách quan là do cơn bão số 7, về mặt chủ quan thì số đăng ký mua cổ phần đã tăng gần gấp đôi, và ông Nam khẳng định: "Một số đồng chí đăng ký mua 51% vốn để kiểm soát Cty. Về việc này, chúng tôi đã họp Đảng uỷ và đánh giá tình hình. Nếu như đấu giá bán thì giá cổ phiếu lên rất cao và như vậy thì người LĐ không thể mua được và cổ phần ưu đãi cũng phải mua giá cao. Tôi có báo cáo, quan điểm của đồng chí Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh rất rõ là dứt khoát không để người LĐ không mua được. Có đồng chí nói bán đấu giá được giá cao thì Nhà nước có lợi, quan điểm của tôi là ưu tiên cho người LĐ".

Vậy thực sự Giám đốc Trần Đức Nam có nghĩ đến quyền lợi của người LĐ như đã nói. Trước buổi họp, tâm sự với PV Báo LĐ, ông Nam đã cho biết: "Dự kiến là anh em không mua hết" và ông Nam không ngờ là nhiều người đăng ký mua như vậy. Đặt giả dụ là không có ai đăng ký mua cổ phần, có nghĩa là không ai đe dọa quyền độc tôn lãnh đạo Cty của ông Nam, thì có lẽ tiến trình CPH Cty KDPTN Nam Định đã thành công tốt đẹp.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao ông Nam và một người lãnh đạo Cty lại rất nhiệt tình ủng hộ việc giữ lại 30% vốn nhà nước và nâng vốn điều lệ lên 5 tỉ đồng? Đơn giản là với phương án này, ông Nam vẫn tiếp tục nắm được Cty và tiếp tục che giấu được trách nhiệm của một số cá nhân đối với tình trạng "công nợ tồn đọng nhiều, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch SXKD của Cty, nguồn vốn kinh doanh bị chiếm dụng, không thanh toán kịp thời các khoản nợ phải trả" và con số nợ thực tế phải trả là trên 33,4 tỉ đồng!