Cái khó ló cơ hội cho sản xuất trong nước
Các Website khác - 31/12/2008

Kết quả nghiên cứu tiêu dùng thường xuyên của Sài Gòn Tiếp Thị chỉ ra rằng, sức mua của người tiêu dùng trong những tháng cuối năm đang giảm khoảng 20%.


Người dùng chọn hàng nội vì ít tốn kém, chưa phải vì chất lượng. Ảnh: L.H.T

Tỷ trọng dùng hàng nội tăng

Tín hiệu đáng mừng là người tiêu dùng trong nước đang chuyển dịch từ mua hàng có nguồn gốc nhập khẩu sang hàng sản xuất trong nước. Nghiên cứu nhật ký tiêu dùng trong ba tháng qua cho thấy, tỷ trọng hàng nội địa được tiêu dùng tăng từ 75,8% trong tháng 10 lên 81,4% trong tháng 12. Khi tiêu dùng hàng nội tăng, thì hàng nhập khẩu bị sụt giảm lớn về giá trị và thị phần, với số liệu tương ứng là 41% và 5,6% thị phần tương đối.

Đi sâu vào hành vi tiêu dùng phân theo bốn nhóm chính là A, B, C và D, với mức thu nhập từ cao xuống thấp. Trong đó, nhóm A là nhóm hộ gia đình có thu nhập bình quân cao nhất. Sự chuyển dịch từ hàng nhập khẩu sang tiêu dùng hàng trong nước diễn ra rất rõ nét ở bốn nhóm. Đáng lưu ý là sự chuyển dịch này diễn ra mạnh nhất ở hai cực: nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, nhưng lại tương đối ít biến động hơn ở hai nhóm thu nhập khá (nhóm B) và trung bình (nhóm C).

Có thể nhìn nhận sự lý thú này ở các góc độ. Thứ nhất, nhóm nghèo nhất đang bị ảnh hưởng lớn nhất từ khủng hoảng kinh tế nên bắt buộc phải chuyển dịch. Thứ hai có vẻ như nhóm nhà giàu cũng phải thắt chặt hầu bao, chuyển qua tiêu dùng hàng trong nước, từ mức gần 70% nay chuyển đến gần 80%. Thứ ba, hai nhóm giữa đã và đang là khách hàng trung thành của các nhà sản xuất trong nước. Tuy sự gia tăng  không nhiều nhưng vẫn có ý nghĩa. Cuối cùng, khi xem xét trên 11 nhóm sản phẩm của nghiên cứu, sự chuyển dịch diễn ra một cách rất rõ nét trong hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt chuyển dịch mạnh ở nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa, nước giải khát, mỹ phẩm, quà tặng, dụng cụ thể thao, đồ chơi.

Cơ hội cho sản xuất trong nước

Người tiêu dùng trong nước buộc phải cân nhắc chi tiêu do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sự thay đổi trong hành vi mua sắm hiển lộ cơ hội cho nhà sản xuất trong nước củng cố và gia tăng thị phần

Sự thay đổi hành vi tiêu dùng là cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa. Những năm trước, trong các cuộc toạ đàm, mối lo lắng rất lớn là sự lấn át của hàng ngoại so với hàng nội. Nay trong khó khăn bộn bề, cơ hội cho hàng Việt Nam và các nhà sản xuất Việt Nam chiếm lĩnh lại thị phần, thị trường là cơ hội hiếm có, nhưng có thật. Đây là lúc các nhà sản xuất Việt Nam có thể tận dụng để trở thành người bạn đường thuỷ chung, tử tế với người tiêu dùng trong nước, bằng tổ hợp các chiến lược giá, sản phẩm, phân phối và truyền thông hợp lý.

Khách quan mà nói, lý do của chuyển dịch tiêu dùng có thể xuất phát từ nhu cầu cắt giảm chi phí của người tiêu dùng, chứ chưa phải vì hàng nội địa có thể thay thế một cách hoàn hảo so với hàng nhập khẩu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi đánh giá chất lượng, người tiêu dùng vẫn đánh giá cao hàng nhập khẩu so với hàng trong nước. Do vậy, các nhà sản xuất trong nước phải chớp cơ hội này để củng cố niềm tin của người tiêu dùng, để họ từ chỗ bắt buộc phải mua vì cắt giảm chi phí, sang mua vì yêu thích và tin tưởng. Mặt khác, có rất nhiều nhóm sản phẩm trước đây khó cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại như mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, đồ chơi thì nay cơ hội đã mở ra. Thế nên thời điểm này là lúc để nghĩ đến các chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, thị trường cho các phân khúc khách hàng khác nhau, các nhóm nhu cầu khác nhau. Lúc này hoàn toàn không phải là lúc kêu than, tìm mọi cách tăng giá, hay cắt giảm chất lượng sản phẩm mà là lúc thích hợp để chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng trong nước và vững vàng vượt qua khủng hoảng.

Theo SGTT