Kinh tế VN năm 2008: Nhìn từ những cảnh báo
Các Website khác - 31/12/2008
 
 Từ khi chúng ta còn đang hân hoan với thành tích tăng trưởng GDP cao liên tiếp trong nhiều năm, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ đến từ sự tăng trưởng nóng. Đến năm 2008, khi nền kinh tế liên tiếp gặp khó khăn, người ta mới nhớ lại những lời cảnh báo này.
Nguy cơ đến từ  tăng trưởng nóng
 
Cuối năm 2007, trên Thời báo kinh tế Sài Gòn chuyên gia Võ Xuân Vinh, Đại học New South Wales (Australia) có bài “Nguy cơ tăng trưởng tín dụng nóng” với nhận định: “Tăng trưởng tín dụng nóng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng làm tăng tổng cầu của nền kinh tế, góp phần làm tăng giá cả gây sức ép lạm phát”.
 
Trước đó, Tiến sỹ Phan Minh Ngọc, Đại học Kyu Shu (Nhật Bản) cũng đã nói: “Một nền kinh tế tăng trưởng nóng sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái sau cơn “phát nhiệt”, đặc biệt khi có những cú sốc ngoại lai, nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời để làm nguội dần nền kinh tế trước khi đưa nó về trạng thái phát triển cân bằng và ổn định. Có 4 dấu hiệu chính để nhận biết một nền kinh tế tăng trưởng nóng là lạm phát và giá chứng khoán tăng nhanh, đầu tư trong nước và nhập khẩu hàng tiêu dùng gia tăng mạnh. Từ thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay, dưới góc nhìn của chúng tôi, 4 dấu hiệu này đã xuất hiện”.
 
Nhưng những lời cảnh báo về sự tăng trưởng quá nóng của kinh tế khi đó không thấm thía gì với những tín hiệu đầy khả quan về tốc độ tăng trưởng. “Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 461.189 tỷ đồng, tăng 8,48% so với cùng kỳ, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua”. Dòng tin này có mặt trên hầu hết các báo sáng 31/12/2007, sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu về nền kinh tế Việt Nam năm 2007. Tuy nhiên, cho đến tháng 7/2008, tất cả đã thay đổi. Những e ngại của các chuyên gia về sự bùng nổ lạm phát đã trở thành hiện thực. Lạm phát 6 tháng đầu năm 2008 đã tăng đến 18,44%. Mức tăng giá trung bình từ đầu năm là khoảng trên 2,8%/tháng. Đây là tốc độ tăng cao nhất trong những năm gần đây.
 

Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, những ảnh hưởng với nền kinh tế Việt Nam là khó tránh. Ảnh: Chí Cường.

 
Sau lạm phát là thiểu phát
 
Trước tình hình lạm phát diễn biến phức tạp, Chính phủ đã đưa ra 8 giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thắt chặt tiền tệ, tín dụng thông qua các biện pháp tăng lãi suất, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Nhưng khi đó, các chuyên gia cũng lập tức khuyến cáo: “Đừng để sau lạm phát là đình trệ kinh tế”.
 
Trên báo điện tử Vietnamnet, bà Nguyễn Thị Mùi, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, cần điều hành lãi suất theo hướng ổn định và giảm dần khi lạm phát được kiềm chế. Tăng lãi suất là giảm cung tiền nhưng cung tiền đã giảm đến mức thấp mà lãi suất vẫn tiếp tục tăng thì tăng lãi suất lúc này sẽ có tác dụng ngược lại. Ông Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội thì nói: “Tính hai mặt của lãi suất tăng cao, mức lãi suất cao và cao hơn lạm phát sẽ tác động tức thời đến việc cắt giảm lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất quá cao sẽ hạn chế đầu tư, dẫn đến đình trệ và suy thoái, thất nghiệp và phá sản”.
 
Một lần nữa, những dự báo này lại chính xác. Trong ba tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều tăng âm, tức là kiềm chế lạm phát có tác dụng, nhưng đi kèm với nó là sự đình trệ về kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: “Trong ba tháng liên tiếp chỉ số tăng trưởng công nghiệp đều giảm. Đây là một vấn đề thực sự đáng quan tâm”.
 
Chống suy giảm kinh tế lại trở thành mục tiêu hàng đầu của Chính phủ với gói 5 giải pháp kích cầu đầu tư tiêu dùng. Nhưng những thống kê cuối năm vẫn cho thấy, tình hình không mấy khả quan. Cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 24/12 công bố tốc độ tăng trưởng GDP của VN là 6,23% trong năm 2008. Đây là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Còn theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, mức thưởng Tết năm nay cũng thấp hơn nhiều năm trước. “Sốc” nhất là ngành công nghệ thông tin với 24.000 đồng. Trong khi, mức thưởng Tết cao nhất TP HCM năm ngoái là 240 triệu đồng, lại thuộc về chính một công ty của ngành này.
 
Những khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế - tài chính đã được chứng minh trong thực tế. Dù sao trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động của năm 2008, những ảnh hưởng với nền kinh tế Việt Nam là khó tránh. Tuy nhiên, đó cũng là một bài học rất cần thiết cho tương lai phát triển của đất nước.
 
Theo Giadinhnet