Thị trường bán lẻ bình dân nóng trước giờ mở toang cửa
Các Website khác - 30/12/2008

Chỉ trong vòng 3 ngày liên tiếp cuối tuần, Saigon Co.op đã kịp khai trương 2 siêu thị và mở một cửa hàng thực phẩm đầu tiên trong chuỗi siêu thị thực phẩm mới mang tên Co.op Food. Nhanh chân chiếm lĩnh thị trường là mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ nội địa trước thời điểm 1/1/2009.

Đầu tư khoảng 2 đến 10 tỷ đồng cho một cửa hàng thực phẩm mới, lần đầu tiên Liên hiệp hợp tác xã thương mại Sài Gòn đã "chẻ nhỏ" thị trường bán lẻ nội địa để mở siêu thị mini, lách vào các khu dân cư, chung cư, tạo thành một kênh phân phối trung lưu.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc SaiGon Co.op, đây là phân khúc thị trường nhiều tiềm năng của VN mà hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ. Trước đó một cuộc điều tra nhu cầu mua sắm của hơn 800 bà nội trợ hiện đại được Saigon Co.op thuê đơn vị nghiên cứu thị trường độc lập Pathfinder thực hiện. Kết quả cho thấy, có một nhu cầu lớn phụ nữ hiện nay muốn mua sắm thực phẩm cho gia đình tại những địa điểm tiện lợi, với yêu cầu phải vệ sinh, an toàn (98%), hàng tươi ngon (96%), giá cả hợp lý (89%). Lớp người tiêu dùng này chủ yếu phải đi làm việc ngoài xã hội, ở các chung cư, khu dân cư từ trung đến cao cấp, có nhu cầu tiêu dùng thuận tiện.

Bà Lê Vân Phi, Phó Ban dự án chuỗi thực phẩm Co.op Food cho biết, đó chính là đối tượng khách hàng mà Saigon Co.op nhắm đến khi quyết định mở chuỗi mới. Đây cũng sẽ là kênh phân phối khác với kênh truyền thống chợ, cửa hàng tạp hóa, vốn đã tồn tại từ lâu đời nay. Do đó, bà Phi nói, Saigon Co.op đặt mục tiêu trong vòng 4 năm tới, hệ thống Co.op Food sẽ có khoảng 120 cửa hàng.

Siêu thị đang trở thành kênh bán lẻ sôi động thu hút khách mua sắm. Ảnh: P.A.

"Đây là lúc phải tìm chỗ trống thị trường để vào trước khi có cuộc đổ bộ của nhiều nhà đại bán lẻ nước ngoài", bà Hạnh cũng cho biết.

Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Pathfinder Trần Anh Tuấn thống kê, trên thực tế đã có nhiều nhà bán lẻ nội địa thâm nhập vào thị trường trung lưu và bình dân nhưng vẫn chưa chiếm hết thị phần dịch vụ. Sự tồn tại của chuỗi cửa hàng tiện lợi G7, Hapro, Shop&Go, Vinatex, cửa hàng tiện lợi Co.op, FPT Retails... hiện nay là một ví dụ. Trong khi Shop&Go phục vụ hàng tiêu dùng 24/24h, thì cửa hàng Co.op như quầy tạp hóa bán trong các khu dân cư, Vinatex chuyên quần áo thời trang, FPT Retails bán lẻ hàng công nghệ.

Hai năm nay, sự xuất hiện của hệ thống cửa hàng tiện lợi Speedy, mở tại các chung cư mới, mang lại nhiều sôi động cho kênh phân phối trung lưu. Ra đời đầu năm 2007, hiện Speedy phát triển được 10 cửa hàng, bán cả ngày đêm với đủ loại thức ăn nhanh, rau củ quả thịt tươi, đồ uống, chăm sóc sắc đẹp, sách báo, đồ chơi... giao hàng tận nhà bất kể giờ nào. Thậm chí khách cần một ly cà phê sáng hay khuya cũng có thể điện thoại để nhân viên Speedy mang đến nhà.

Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Mavisa Distribution, chủ hệ thống Speedy cho biết tại hội thảo về bán lẻ, diễn ra giữa tháng 12 tại TP HCM, kinh nghiệm thành công của chuỗi cửa hàng này là thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiện lợi của khách hàng.

Theo bà Hà, thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2008 tăng xấp xỉ 23%, trong đó kênh bách hóa truyền thống đóng góp gần 3/4 tổng bán lẻ cả nước, bên cạnh chợ và siêu thị. Tăng trưởng bán lẻ của siêu thị tăng đến 45% so với năm trước. Nhu cầu mua sắm tiện lợi ngày càng cao. Đáp ứng nhu cầu này với "mô hình kinh doanh được xây dựng quanh sự tiện lợi, tự tin, cảm xúc là yếu tố thành công của Speedy".

Đánh giá thị trường bán lẻ VN trước giờ mở toang cửa cho các đại gia nước ngoài từ 1/1/2009, ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công thương, nhận định thực trạng của ngành bán lẻ trong nước còn nhiều khiếm khuyết, các doanh nghiệp còn yếu cả về tài chính lẫn kinh nghiệm. Do đó VN sẽ áp dụng nguyên tắc bảo lưu hữu dụng (ENT) trong thực thi cam kết WTO về mở cửa ngành phân phối, bằng cách đặt ra những quy tắc xem xét nhu cầu và khả năng của thị trường trong nước trước khi quyết định cấp phép cho nhà bán lẻ nước ngoài.

Tuy nhiên hiện các tiêu chí ENT như thế nào, hành lang pháp lý có liên quan của VN vẫn chưa thể hiện rõ. Trong khi đó, nói như ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, ENT chính là cái phao duy nhất để hạn chế bớt các nhà bán lẻ nước ngoài. "Vấn đề đặt ra là ENT sẽ được điều chỉnh bởi những tiêu chí nào để vừa đảm bảo thực thi cam kết, vừa đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển của nền kinh tế nói chung và khu vực bán lẻ nói riêng", ông Hòa nói.

Theo VnExpress