![]() |
Bộ trưởng Mai Ái Trực: Đừng để nảy sinh khiếu kiện. |
Qua kiểm tra thi hành Luật Đất đai trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực cho rằng, đã đến lúc phải tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu kiện về đất đai, không để tồn đọng quá nhiều vụ việc phức tạp như hiện nay.
- Xin Bộ trưởng cho biết qua kiểm tra thi hành Luật Đất đai, tình hình thực thi pháp luật đất đai ra sao?
- Tuy mức độ khác nhau nhưng các địa phương đều có sự quan tâm đến việc triển khai thi hành Luật Đất đai, thể hiện trong việc tuyên truyền giới thiệu Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, ban hành các văn bản theo thẩm quyền của địa phương, kiện toàn tổ chức bộ máy và đẩy mạnh công tác quy hoạch sử dụng đất. Các tỉnh, thành phố đều đã quyết định và công bố giá đất theo Nghị định 188 của Chính phủ. Đã giảm hẳn tình trạng thu hồi đất cho các dự án một cách tràn lan như đã từng diễn ra trước đây. Nhiều địa phương đã kiên quyết thu hồi diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả.
Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ triển khai thi hành Luật còn rất chậm và còn nhiều mặt yếu kém. Đáng lưu ý là tình trạng nhận thức không đầy đủ, không đúng về Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn tới sự chậm chạp trong một số công việc, nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nổi cộm nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai. Hầu hết các vụ việc dẫn tới khiếu nại, tố cáo đều xảy ra trước khi có Luật Đất đai 2003. Trong số này có những trường hợp đã có kết luận của Thủ tướng Chính phủ, phán quyết của tòa án hoặc đã có quyết định giải quyết cuối cùng đúng pháp luật nhưng người dân vẫn khiếu kiện. Nhiều trường hợp người dân có lý do chính đáng để khiếu kiện.
- Người dân phản ánh giá đền bù không thỏa đáng trong khi địa phương lại biện bạch do có dự án nên giá đất mới tăng cao, cần thống nhất thời điểm đền bù như thế nào cho hợp lý?
- Theo quy định của Luật Đất đai, đất sử dụng vào mục đích gì (tất nhiên là phù hợp với pháp luật) thì đền bù theo giá đất sử dụng vào mục đích đó và tại thời điểm thu hồi đất. Không thể đòi bồi thường đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp bằng giá đất sau khi đã được thu hồi để chuyển sang làm đất ở. Mà cũng không mấy ai đòi hỏi như vậy. Vấn đề là bồi thường như thế nào để người có đất bị thu hồi tiếp tục ổn định cuộc sống, chủ yếu là bảo đảm tái định cư và chuyển đổi nghề nghiệp trong trường hợp không còn hoặc còn rất ít đất nông nghiệp.
Cũng có những nơi giá đất nông nghiệp được tính để bồi thường cao hơn giá thị trường, nhưng người được bồi thường vẫn không thỏa mãn. Cũng có trường hợp cùng một khu đất nhưng giá đền bù của dự án địa phương thì thấp, của trung ương lại cao hơn, rồi thì đất thu hồi giá thấp nhưng đất tái định cư thì giá quá cao. Chung quanh vấn đề giá bồi thường và phương thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chắc còn nhiều việc phải bàn.
- Bức xúc của dân thì nhiều, vậy Bộ sẽ có phương án gì để xử lý những bức xúc đó?
- Không phải đợi đến khi kiểm tra xong mà ngay trong quá trình tiến hành kiểm tra, các đoàn đều yêu cầu các địa phương có khiếu kiện cần xem lại việc giải quyết vừa qua. Toàn bộ đơn thư sẽ được phân loại và xử lý. Những trường hợp đã giải quyết đúng thì giải thích cho người khiếu nại và công khai kết quả giải quyết. Những trường hợp giải quyết chưa thỏa đáng thì phải giải quyết lại bảo đảm đúng pháp luật và phù hợp với tình hình của địa phương.
Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi việc giải quyết của các địa phương, đặc biệt đối với những nơi có nổi cộm. Đối với những kiến nghị, đơn thư thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan Trung ương thì Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan giải quyết. Bộ cũng sẽ tập trung giải quyết những trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
Qua phân tích tình hình khiếu nại, tố cáo, Bộ sẽ xem xét lại, nếu nguyên nhân là do thể chế thì phải sớm xử lý hoặc đề xuất xử lý. Quan trọng là hạn chế phát sinh khiếu kiện.
- Theo Bộ trưởng, cần làm gì để bảo đảm pháp luật về đất đai được chấp hành nghiêm chỉnh và khắc phục tình trạng "trên bảo dưới không nghe"?
- Đất đai đang là vấn đề phức tạp, vừa qua tuy các địa phương đã có chú ý tăng cường quản lý nhưng xem ra chưa đủ "đô". Trong tháng 9 tới, Bộ sẽ tổng hợp tình hình kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các giải pháp có hiệu quả và quyết liệt hơn để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai.
Tôi đi Quảng Ninh, UBND tỉnh hứa sẽ đi từng huyện để đối thoại với dân. Ở Đồng Nai, các đồng chí UBND tỉnh cũng rất sốt ruột trước tình hình khiếu kiện và hứa sẽ sớm giải quyết. Có lúc cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tây dành 70-80% thời gian và công sức lo giải quyết vấn đề đất đai; hôm vừa rồi tôi đến kiểm tra thấy tình hình đã lắng dịu hơn nhiều. Điều đó cho thấy, nếu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương vào cuộc thì việc khó mấy cũng tháo gỡ được.
Phong Lan thực hiện
Theo dòng sự kiện: |
▪ Có thể phát hành 500 triệu USD trái phiếu ở Mỹ (26/08/2005)
▪ Máy bay Vietnam Airlines bị xe đụng tại Pháp (26/08/2005)
▪ Lãnh đạo các tỉnh 'xé rào' ưu đãi bị kiểm điểm (26/08/2005)
▪ 8 tháng: Xuất khẩu vượt ngưỡng 20 tỉ USD (26/08/2005)
▪ 102 doanh nghiệp đoạt Cúp Vàng "Thương hiệu & nhãn hiệu 2005" (26/08/2005)
▪ Vẫn vướng giải phóng mặt bằng (26/08/2005)
▪ Cào trúng thưởng nhưng không được nhận thưởng (26/08/2005)
▪ FDA không xem xét việc cấm bán cá ba sa VN trên toàn nước Mỹ (26/08/2005)
▪ Đổ xô đi xe buýt (26/08/2005)
▪ Người dân nên tính toán chi phí đi lại (26/08/2005)