Chống hàng giả, gặp nhiêu khê!
Các Website khác - 05/10/2005
TP.Hồ Chí Minh: Chống hàng giả, gặp nhiêu khê!

Từ đầu năm đến nay, trung bình cứ 3 ngày, cơ quan chức năng TPHCM xử lý một vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái. Trên thực tế, số trường hợp hàng giả - hàng nhái bày bán, lưu thông trên thị trường còn hơn gấp nhiều lần.

Thị trường dược liệu quý
cũng đầy hàng giả.
Từ đầu năm đến nay Chi cục QLTT TPHCM đã phát hiện và xử phạt 262 vụ vi phạm về đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ (SHTT) và quy chế ghi nhãn hàng hoá. Trong số này, có 92 trường hợp vi phạm về SHTT, tăng hơn so với 86 vụ trong 9 tháng đầu năm 2004 và dự báo từ nay đến cuối năm số vụ vi phạm lập biên bản sẽ tăng vượt qua con số 101 vụ phát hiện được trong năm 2004.

Ông Chu Xuân Phương - chuyên viên Phòng Tổng hợp, Chi cục QLTT - cho biết: "Trước đây, hàng giả, hàng nhái xuất hiện tập trung ở một số mặt hàng như bột ngọt, rượu, hoá mỹ phẩm, đầu máy VCD..., nhưng gần đây, các vụ vi phạm quyền SHTT phát hiện được ở nhiều mặt hàng hơn, mở rộng ra các loại phụ tùng xe máy, đồng hồ, mực in máy vi tính, niêm van bình gas, võng xếp, sơn...

Ngày 26.9, lực lượng QLTT còn lập biên bản một số trường hợp giả nhãn hiệu Cisco System đối với mặt hàng thiết bị mạng Internet, card mạng". Giữa tháng 8, Chi cục QLTT TPHCM đã phát hiện một công ty sản xuất rượu nhãn hiệu Remus, trên nhãn, nắp chai, hộp giấy sản phẩm đều in chữ Cognac vi phạm tên gọi, xuất xứ hàng hoá đã được bảo hộ.

Các loại phụ tùng xe máy, quần áo, giày dép... sao chép kiểu dáng và in giả các nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng đang bày bán trên thị trường khá phổ biến.

Sau 1 tháng khảo sát tại chợ Bến Thành, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN (VATAP) đã phát hiện tại đây có 21 quầy, sạp hàng kinh doanh quần áo, giày - giả nhãn hiệu của Công ty Nike.

Lực lượng QLTT phát hiện một kho
chứa đầu máy VCD chưa ghi nhãn
hiệu.

Tuy nhiên, để dẹp vấn nạn này lại là chuyện không dễ đối với các nhà sản xuất lẫn cơ quan chức năng.

Theo ông Đỗ Hữu Quang - Phó Cục trưởng Cục QLTT, thực trạng xâm phạm quyền SHTT hiện nay diễn biến phức tạp vì sự mô phỏng kiểu dáng, cải biên chút ít nhãn hiệu hoặc kiểu dáng... ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi.

Ông Huỳnh Anh Thư - Phó Chủ tịch VATAP - cho biết: "Tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng nghiêm trọng, thế nhưng lực lượng phát hiện, xử lý hiện nay lại khá mỏng. Các quy định của pháp luật cũng chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, một số DN bị làm hàng giả lại không muốn thông báo mình bị làm giả do ngại các thủ tục pháp lý, kinh phí và sợ tâm lý người tiêu dùng ngại dùng sản phẩm của mình để tránh mua lầm hàng giả nên tự tìm biện pháp chống hàng giả như thay đổi kiểu dáng, bao bì...

Mặt khác, cho dù muốn chống hàng giả, các DN gặp khá nhiều nhiêu khê vì nếu chỉ phát hiện nơi bán hàng giả với số lượng nhỏ, lẻ vẫn không giải quyết được tận gốc vấn đề. Việc truy tìm tận gốc nơi sản xuất lại đòi hỏi thời gian, công sức, tư cách pháp lý.

Ngoài ra, kinh phí cũng như thủ tục pháp lý để giám định, chứng minh hàng thật, hàng giả là một vấn đề không đơn giản đối với không ít DN.

M.Thoa