Chuyển đổi để vượt cạn
Các Website khác - 13/04/2009

Nhìn vào thống kê về kinh tế VN trong ba tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu đều giảm mạnh, từ xuất - nhập khẩu (nhưng tỉ lệ trên GDP thì xuất khẩu bằng 77% GDP và nhập khẩu bằng 90% GDP, điều này có nghĩa là GDP tăng trưởng âm hay dương đều tùy thuộc vào thị trường nước ngoài, trong đó Mỹ, Nhật, châu Âu... chiếm 60% giá trị xuất khẩu của VN) đến đầu tư FDI sa sút, chỉ bằng 70% cùng kỳ năm ngoái, kiều hối tụt giảm, chỉ số sản xuất nông công nghiệp đều không khá hơn so với cùng kỳ...

Công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM lo lắng trước tình trạng doanh nghiệp cho nghỉ việc ngắn hạn hoặc dài hạn do thiếu đơn hàng xuất khẩu

Nhu cầu an sinh xã hội

Sức mua của người dân đã bị ảnh hưởng từ bão giá lạm phát từ tháng 4-2008 đến nay, buộc mọi người phải “thắt lưng buộc bụng” ngày càng chặt hơn.

Trong bối cảnh đó, giá xăng dầu ngấp nghé tăng trở lại khi giá dầu thô trên thị trường vượt mức 50 USD/thùng, giá điện mới với các mức tăng theo lượng điện, giờ sử dụng tương ứng theo bậc thang mới từ 9-13%. Rồi đây giá nước (xin tăng vì nước thất thoát, rò rỉ trên đường ống dẫn 30-40%), giá dịch vụ cơ bản trong đời sống, giáo dục (học phí theo chủ trương xã hội hóa), y tế... cũng có xu hướng tăng thì không rõ hiệu quả kích cầu theo chủ trương của Chính phủ sẽ đi về đâu.

Một điều chắc chắn là tầng lớp người nghèo, những doanh nghiệp nhỏ bé, tiểu thủ công nghiệp sẽ là những người hứng chịu nặng nề nhất hậu quả của suy giảm. Hàng trăm nghìn người thất nghiệp mới (nếu cộng thêm với 1 triệu người đang thất nghiệp hiện nay thì VN có đến 2 triệu người bị mất việc làm, theo bà Nguyễn Lan Hương, viện trưởng Viện Khoa học lao động thuộc Bộ LĐ-TB&XH). Do đó vấn đề kích cầu để an sinh xã hội ở đô thị cũng như nông thôn ngày càng trở nên thiết yếu.

Chuyển đổi hay tái cơ cấu nền kinh tế?

Cơ cấu phát triển kinh tế trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế quốc doanh có thể trở thành mối đe dọa mãn tính ngăn cản phát triển nếu không nói đây là những nơi tạo nợ mới cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nhỏ với lực lượng lao động lớn lại đóng góp vào nền kinh tế quốc dân cao hơn, mặc dù thiếu những chính sách hỗ trợ ở tầm vĩ mô, nói chi đến vốn vay dù là đã có “lãi suất ưu đãi” của chính phủ nhưng mấy ai tiếp cận được nguồn vốn này!

Thiết nghĩ tách rời nghĩa vụ xã hội với lợi nhuận kinh doanh của các tập đoàn này là điều nên làm, áp dụng bình đẳng về mọi mặt trên hiệu quả kinh doanh ngang với các công ty tư nhân rất cần thiết và đây cũng là biện pháp chống quan liêu, tham nhũng, hành động lấn sân của doanh nghiệp quốc doanh nhằm kiện toàn hoạt động khi đã được “cổ phần hóa”. Không thể “nhân danh nghĩa vụ xã hội” để độc quyền mua bán và phân phối điện không hợp lý (như cuộc tranh chấp giữa Điện Cà Mau với EVN).

Hai là rà soát lại cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Ba là tăng cường khả năng dự báo và cải thiện hệ thống thống kê của nền kinh tế. Không thể có những tiên liệu đúng, cập nhật nếu thiếu thông tin chính xác, buộc các nhà phân tích phải dựa vào con số của những cơ quan nước ngoài như IMF, WB, ADB hay cơ quan nghiên cứu độc lập với dữ liệu chưa đầy đủ.

Cuối cùng là câu chuyện cải cách hành chính, chế độ đánh và thu thuế linh hoạt, sát thực với tình hình kinh tế chung của từng ngành nghề thay vì đặt chỉ tiêu thu cho ngân sách một cách máy móc, tăng thêm áp lực lên doanh nghiệp (nhỏ và vừa) đang khốn đốn.

Minh bạch hóa sổ sách chi tiêu của Nhà nước, tiết kiệm để bớt thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm những công trình chưa thật cần thiết, lễ hội chi tiêu hàng chục tỉ đồng ở các nơi phải chăng cần được lược bớt, dành sức vào những công trình xây dựng cơ sở của nền kinh tế như cầu đường, bến cảng... và cải thiện môi trường đầu tư cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong khi chọn lựa phương án và đối tác nước ngoài. Mặt khác, cần phải tính đến yếu tố lạm phát quay trở lại khi thị trường tiền tệ mất cân đối giữa cung - cầu. 

HỒNG LÊ THỌ