> Giá xăng tăng lên 12.000 đồng
Theo khảo sát trên thị trường Hà Nội, nhiều mặt hàng thiết yếu đã điều chỉnh tăng giá từ 5- 7%. Các loại thực phẩm tươi sống đã có mức tăng từ 3.000- 5.000 đồng/kg. Các loại rau, củ cũng có mức tăng khá cao, từ 1.000 – 5.000 đồng/kg...

Bà Nguyễn Thị Oanh, xã viên hợp tác xã sản xuất rau sạch Vân Nội, Đông Anh giải thích: “Tuần trước giá phân bón mới tăng thêm 2.000 đồng/bao. Giá xăng hai lần tăng. Rau bán chẳng được bao nhiêu lại phải gánh thêm tiền phân bón và tiền xăng thì chúng tôi chịu sao nổi”.
Chị Trần Thị Yến, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), chủ cửa hàng cá, chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải chở cá từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội. Tính cả đi và về, tiền xăng đã “đội” thêm 15.000 đồng/chuyến. Nếu không tăng giá bán cá, tôi lấy gì bù lỗ”.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Giám đốc siêu thị mini smart trên phố Liễu Giai (Ba Đình) cho biết: “Sau lần tăng giá xăng thứ hai, nhiều nhà cung cấp thực phẩm gọi điện hoặc gửi thông báo đến siêu thị đề nghị tăng giá. Trong đó, chủ yếu là các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống như tôm, cá, rau, củ. Họ giải thích do phải vận chuyển hàng hoá đến tận nơi cho chúng tôi với giá không đổi sẽ bị thâm hụt tiền xăng. Trong khi đó, sức mua ở siêu thị đang rất chậm, tăng giá vào thời điểm này rất bất lợi vì càng khó cạnh tranh”.
ThS - Chuyên gia kinh tế Lê Văn Hinh, nguyên Trưởng phòng phân tích kinh tế – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, nguyên nhân tăng giá lần này chủ yếu do các thương nhân bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi 2 lần tăng giá xăng liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không loại trừ giá cả nhân cơ hội này tăng giá kiểu “té nước theo mưa”, khiến lạm phát tăng trở lại.
Ông Lê Văn Hinh phân tích thêm: “Ngoài ảnh hưởng của việc 2 lần tăng giá xăng, đầu tháng 5 tăng lương cũng khiến tâm lý của những kẻ cơ hội không muốn ngồi yên. Tuy nhiên, mức tăng và tăng nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chính sách tiền tệ”.
Kỳ Anh