Cú hích cho phương tiện vận tải công cộng
Các Website khác - 26/08/2005
CHUYÊN ĐỀ: VẬN TẢI CÔNG CỘNG Ở TPHCM
Lê Thanh Phong và Trần Phan thực hiện

Giá xăng dầu tăng: Cú hích cho phương tiện vận tải công cộng

Ngày càng có nhiều người dân
sử dụng xe buýt.
Giá xăng dầu tăng liên tiếp thời gian qua làm đảo lộn chi tiêu, sinh hoạt của đông đảo người dân, đặc biệt là đi lại. Và để đối phó với khó khăn này, nhiều người chọn giải pháp đi xe buýt. Sự lựa chọn này tạo ra nhiều ưu điểm, trước hết là người dân tiết kiệm được chi tiêu, tạo ra thói quen sử dụng phương tiện công cộng trong xã hội, tiết kiệm xăng dầu cho cả nước, góp phần giảm áp lực ùn tắc giao thông.

Không còn làm ngơ với xe buýt
Trước đây, người dân ít quan tâm đến lựa chọn phương tiện để đi lại. Cứ ra đường là lên xe máy, đổ xăng và phóng. Đơn giản là vì giá xăng dầu còn rẻ. Nhưng ngay sau đợt tăng giá xăng dầu lần thứ nhất, người dân đối diện với một thực tế khác, buộc phải tính toán từng lít xăng. Nếu cứ đi xe máy thoải mái như trước, thì "tiền xăng ăn hết tiền cơm".

Giá xe ôm, xe taxi cũng tăng chóng mặt. Theo tính toán của ngành giao thông, với xe gắn máy định mức đi 35km/lít xăng A92 thì một người phải mất 10.000 đồng. Với quãng đường này, nếu đi xe buýt chỉ mất 2.000 đồng, sử dụng vé tháng sẽ còn thấp hơn.

Do đó, từ đầu tháng 7, số lượng người đi xe buýt tăng cao, theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, trung bình tăng 100.000 lượt khách/ngày, so với tháng 6. Tuy nhiên số lượng người chuyển sang đi xe buýt dù đã tăng nhanh, nhưng chưa đột biến.

Đến lần tăng giá thứ hai, xăng dầu đã "ép" thêm một lượng khách khác phải leo lên xe buýt. Điều rất bất ngờ là từ đầu tháng 8 và đặc biệt là trong mấy ngày qua, xe buýt các tuyến trên địa bàn TPHCM đều tăng khách một cách đồng loạt và đột biến, bình quân mỗi ngày có hơn nửa triệu lượt khách. Dự kiến trong tháng 9, lượng khách sẽ còn tăng cao hơn bởi học sinh, sinh viên bắt đầu nhập học.

Một điểm quan trọng khác, việc tăng giá xăng vô tình đã tạo cơ hội cho phương tiện vận tải công cộng đắc thời, mà không cần phải tốn thời gian và chi phí cho việc tuyên truyền. Người dân tự giác đi xe buýt, ngày càng đông người tham gia đi lại bằng phương tiện này sẽ giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường vốn là căn bệnh trầm kha của các thành phố lớn.

Nếu tập quán đi lại bằng phương tiện công cộng được hình thành, không chỉ cá nhân từng người, mà lợi ích cho toàn xã hội. Quan trọng nhất là tiết kiệm nhiên liệu - tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia.

Nhà nước ra tay gấp
Với tốc độ tăng khách xe buýt như hiện nay, chắc chắn trong thời gian tới, hệ thống phương tiện công cộng sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố, đây chính là bài toán đặt ra buộc chính quyền phải giải gấp.

Cụ thể là phải tăng số lượng phương tiện công cộng các loại, mở thêm các tuyến, trạm để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại. Hiện nay, ở nhiều khu vực trên địa bàn của các thành phố lớn như Hà Nội - TPHCM chưa có tuyến xe buýt, người dân phải sử dụng xe gắn máy mặc dù có nhu cầu đi xe buýt. Không chỉ tăng phương tiện, mở rộng tuyến, Nhà nước phải đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ.

Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, không ai muốn ngồi vào chiếc xe tồi tàn, chen chúc, nóng bức. Do đó, phương tiện công cộng phải sạch, đẹp, trang bị máy lạnh, các phương tiện truyền thông để hành khách tranh thủ theo dõi tin tức. Các trạm dừng cần phải nâng cấp, sạch sẽ, văn minh, không thể để tình trạng bẩn thỉu, nhếch nhác. Nhân viên trên các phương tiện công cộng phải được đào tạo, phục vụ hành khách chu đáo, lịch sự.

Vấn đề đáng quan tâm khác là công tác tiếp thị để người dân biết được các tuyến xe công cộng, thuận tiện cho việc tổ chức đi lại. Nếu Nhà nước làm tốt các yêu cầu trên, chắc chắn trong thời gian tới, bức tranh giao thông công cộng ở các thành phố lớn sẽ thay đổi tích cực.

CÙNG CHUYÊN ĐỀ:

Đổ xô đi xe buýt

Người dân nên tính toán chi phí đi lại