Doanh nghiệp lo thuế nhập khẩu ôtô giảm
Các Website khác - 25/08/2005

Bộ Tài chính cân nhắc giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc theo cam kết khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để thực hiện quy hoạch ôtô đề ra, Nhà nước cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ, và đây là thời điểm quá sớm để nói chuyện giảm thuế.

Xe MBW B6. Ảnh. Anh Tuấn.
Xe MBW B6. Ảnh. Anh Tuấn.

Theo phương án được Bộ Tài chính cân nhắc, có thể cuối năm nay, thuế nhập khẩu đối với ôtô nguyên chiếc sẽ giảm khoảng 10% (tùy loại) và tiếp tục giảm dần trong những năm tiếp theo. Bộ Tài chính cho rằng, đây là việc làm bắt buộc trong bối cảnh VN đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đồng thời, để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho doanh nghiệp, công việc này sẽ phải làm sớm hơn dự định.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không hoàn toàn nghĩ như vậy. Họ cho rằng, để thực hiện mục tiêu quy hoạch ôtô, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ phù hợp trong đó bao gồm cả chính sách bảo hộ.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty Đầu tư và lắp ráp ôtô Xuân Kiên (Hà Nội) cho rằng, nếu thực hiện theo cam kết quốc tế để gia nhập WTO thì chuyện chênh lệch thuế suất giữa các nước sẽ dần bị xóa bỏ. "Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu đối với ôtô nguyên chiếc theo tôi được biết là chuyện của năm 2008 chứ không phải là cuối năm nay hay đầu sang năm", ông nói. Theo ông, giảm bảo hộ chắc chắn các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bản thân ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Chính sách Thuế Bộ Tài chính, cũng thừa nhận, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gấp rút thực hiện chiến lược nội địa hóa ôtô, việc giảm thuế ngay sẽ là một cú sốc lớn, thậm chí không tránh khỏi một số nhà máy bị phá sản. "Do vậy, để chuẩn bị sẵn tâm lý cho doanh nghiệp, việc giảm thuế sẽ được tiến hành một cách thận trọng và giảm dần theo các năm", ông Pháp nói.

Trong khi một số doanh nghiệp tỏ rõ lo lắng về khả năng cạnh tranh khi chính sách bảo hộ dần bị mất đi thì ông Trần Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Sản xuất ôtô Hòa Bình (VMC) vẫn tỏ ra lạc quan. Theo ông, thời điểm này còn quá sớm để nói tới những khả năng ảnh hưởng đối với ôtô sản xuất trong nước khi bảo hộ dần phải dỡ bỏ. Hơn nữa, Bộ Tài chính vẫn chưa có quyết định chính thức về việc có giảm thuế nhập khẩu đối với ôtô nguyên chiếc trong năm nay hay không và cách thức giảm như thế nào.

Ông cho rằng ôtô trong nước vẫn cạnh tranh được vì còn bảo hộ với tỷ lệ không nhỏ. Theo cam kết quốc tế, VN sẽ có chính sách bảo hộ nhất định với doanh nghiệp trong nước chứ không phải mở cửa tất cả.

Trong khi phương án giảm thuế nhập khẩu đối với ôtô nguyên chiếc vẫn đang nằm trong dự kiến của Bộ Tài chính thì nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ ra vui mừng, nếu giảm thuế họ là những người lợi nhất.

Ông Lê Thanh Mai, Giám đốc Công ty cổ phần ôtô Vĩnh Hưng (68 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) nhận xét, thay đổi chính sách thuế sẽ là một biện pháp mạnh nhằm thúc đẩy quá trình nội địa hóa nhanh hơn. Hiện nay, doanh nghiệp trong nước đang sản xuất phụ tùng linh kiện chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Công nghiệp. "Thậm chí có những phụ tùng dù được chúng tôi chọn lựa rất kỹ càng, nhưng khi lắp ráp vào một số loại xe vẫn thấy bất hợp lý", ông Mai nói.

Theo ông nếu Nhà nước tiếp tục bảo hộ, doanh nghiệp sẽ không nhìn thấy thực lực của mình để có chiến lược phù hợp trong tiến trình hội nhập. Giảm thuế là một biện pháp mạnh giúp sàng lọc thị trường, nếu doanh nghiệp nào không theo kịp sẽ bị đào thải và khi ấy môi trường cạnh tranh sẽ tốt hơn. "Khi gia nhập WTO sớm muộn gì VN cũng phải thay đổi biểu thuế cho phù hợp với cam kết quốc tế. Có thể khi giảm thuế sẽ có doanh nghiệp bị phá sản, nhưng thà làm bây giờ để doanh nghiệp chuẩn bị tâm lý còn hơn là để nước đến chân mới nhảy khi ấy tổn thất còn nặng nề hơn", ông Mai nói.

Trước thông tin liên quan đến giảm thuế đối với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc giá ôtô nhập khẩu sẽ giảm trong thời gian tới.

Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu Chính sách hội nhập Kinh tế Quốc tế, Viện nghiên cứu Kinh tế trung ương cho rằng, yêu cầu hội nhập ngày một lớn, Nhà nước cần có chính sách điều hành quyết liệt hơn nhằm đảm bảo quyền lợi giữa 4 bên là: người tiêu dùng, doanh nghiệp, Nhà nước và môi trường xã hội. Có thể khi giảm thuế, xe ngoại ồ ạt vào thị trường, người tiêu dùng được lợi vì giá xe giảm, nhưng các doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh, trong khi đó cơ sở hạ tầng hiện tại lại chưa đáp ứng kịp.

"Bài học nhãn tiền về việc sản xuất xe máy ồ ạt cần phải được nhìn nhận nghiêm túc. Khi chính sách thuế thay đổi sẽ có doanh nghiệp không trụ nổi sẽ phải rút khỏi cuộc chơi. Do vậy, Nhà nước cần sớm chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho doanh nghiệp đồng thời tính toán chính sách thuế một cách thận trọng để điều chỉnh cho phù hợp", ông Thành nhấn mạnh.

Minh Khuyên