Đánh bắt xa - khắc phục từ bờ
Các Website khác - 20/02/2006
Đánh bắt xa - khắc phục từ bờ

Những mẻ cá "xa bờ" đầu năm
cập cảng Thuận Phước - Đà Nẵng.
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện dự án cho ngư dân vay vốn tín dụng ưu đãi, đóng mới tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, Quỹ Hỗ trợ phát triển đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng trên cả nước. Song dự án này hầu như bị phá sản, hầu hết các tàu đều đánh bắt kém hiệu quả, việc thu hồi nợ bế tắc. Cùng trong thời gian đó, những đoàn tàu đánh bắt xa bờ do tư nhân tự đầu tư lại ăn nên làm ra. Vì sao lại có hai kết cục khác nhau như vậy?

Đà Nẵng - "lỗ hổng" và "miếng vá"

Ông Trần Văn Huy - GĐ Sở Thuỷ sản - nông lâm TP.Đà Nẵng - nói: Phải thẳng thừng nhìn nhận rằng, chỉ có dự án đánh bắt xa bờ do Nhà nước đầu tư bị thua lỗ, chứ việc cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, vươn khơi đánh bắt của ngư dân đều rất thành công.

Chỉ tính riêng ở Đà Nẵng, hiện nay có trên 2.000 tàu thuyền làm nghề biển, trong đó chỉ 187 tàu có công suất lớn từ 90-500CV, song sản lượng của đội tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ này đã chiếm trên 40% trong số trên 40.200 tấn hải sản/năm.

Ngoài những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của Dự án đánh bắt xa bờ mà nhiều lần chúng tôi đã phân tích (cơ chế quản lý vốn lỏng lẻo, những tiêu cực nghiêm trọng trong việc chọn, thẩm định sai đối tượng cho ưu đãi vay vốn, đóng mới tàu, trang thiết bị không đúng quy cách, tiêu chuẩn...), phải kể đến sự thiếu chuẩn bị tâm lý cho ngư dân.

Thực tế, ngư dân đã ỷ lại, dựa dẫm vào ngân sách của Nhà nước. Nhiều chủ dự án không phải là ngư dân, không kinh nghiệm, không hiểu ngư trường, thị trường, lại thuê người làm trôi nổi, thiếu trách nhiệm.

Ngược lại với bức tranh ảm đạm nêu trên, thực tế tại Đà Nẵng cho thấy vẫn có rất nhiều ngư dân giàu lên trông thấy nhờ "xa bờ". Ông Trần Văn Huy cho biết, hiện có đến 90% số tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ ở Đà Nẵng đều ổn định tổ chức tổ đội, yên tâm khi ra khơi với mỗi tổ đội 5-6 tàu. Sở TSNL Đà Nẵng đã làm mẫu quy chế phối hợp, tương hỗ khi vươn khơi khai thác, vào bờ buôn bán, giúp nhau khi hoạn nạn trên biển..., sau đó giao cho ngư dân hoàn thiện dần để tiến đến thoả thuận, ký kết chung từng tổ đội. Với việc ban hành quy chế này, ngư dân đã dần có sự hợp tác từ giản đơn đến hợp tác kinh tế, kỹ thuật một cách chặt chẽ.

Kinh nghiệm về ngư trường, thị trường và công tác hậu cần được chia sẻ. Đặc biệt, trong năm 2005, khi thị trường xăng dầu đã 3 lần tăng giá, việc phối hợp này càng phát huy hiệu quả rõ rệt. Các tàu đã cùng ra khơi, song có sự phân công luân phiên 1 tàu/đội vào bờ để bán sản phẩm và tiếp chuyển lương thực, nhiên liệu cho cả đội. Như vậy, đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hơn thế nữa, việc liên kết giúp ngư dân tránh khỏi sự chèn ép của nậu vựa.

Sở TSNL Đà Nẵng còn trang bị miễn phí phao cứu sinh, bình cứu hoả, bộ đàm, hải đồ ngư trường... cho ngư dân. Những trang bị thiết thực này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngư dân. Đặc biệt, UBND TP.Đà Nẵng vừa phê duyệt dự án xây dựng chợ đầu mối thuỷ sản với quy mô cho cả khu vực miền Trung. Tại đây sẽ hình thành trung tâm bán đấu giá hải sản đầu tiên tại Việt Nam.

Như vậy, bài toán chủ động đầu ra sản phẩm cho ngư dân đã có hướng giải quyết. Đây chính là "miếng vá" quan trọng để khắc phục hậu quả thua lỗ của việc vươn khơi, đánh bắt xa bờ lâu nay. Thanh Hải

Liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn cuối năm 2005 và tháng 1.2006, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương tìm các biện pháp khắc phục hậu quả của dự án đánh bắt xa bờ. Đầu tháng 1.2006, Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện các dự án đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ.

Mới đây nhất là Chỉ thị 03/2006 (ngày 25.1.2006) của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp xử lý nợ vay tín dụng đầu tư phát triển để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt hải sản xa bờ... Sự "sốt ruột" ấy liệu có cải thiện được bức tranh ảm đạm của dự án đánh bắt xa bờ ở các địa phương vốn đang ì ạch bế tắc. Trong khi đó, những tàu xa bờ do tư nhân đầu tư lại ăn nên làm ra. Nhiều địa phương miền Trung đã "vá" lỗ hổng trên "con tàu quản lý" từ kinh nghiệm làm ăn của những con tàu tư nhân này. T.H

CÙNG MỘT CHUYÊN ĐỀ:

Phú Yên: Tiền thu được từ đấu giá chỉ bằng 35% vốn đầu tư

Bài học từ Nghiệp đoàn Phú Thuận 2