Dẹp bỏ nạn giấy phép "con"
Các Website khác - 17/10/2005
Dẹp bỏ nạn giấy phép "con"

Chuyện các bộ, ngành, địa phương liên tục đẻ ra những giấy phép "con", thậm chí giấy phép "cháu, chắt" tưởng như đã tạm nguôi sau khi Chính phủ lập ra tổ công tác rà soát lại toàn bộ hệ thống những quy định trái pháp luật này vào năm 2001. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, công việc này dường như giẫm chân tại chỗ vì càng dẹp nó lại càng... nở ra.

Hội thảo "Giấy phép kinh doanh tại VN: Hiện trạng và giải pháp" do Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua (sắp tới tại Hà Nội) đã nêu thực trạng giấy phép con và biện pháp dẹp bỏ. Để hiểu rõ hơn nghịch lý này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh (ảnh) - chuyên gia kinh tế cao cấp (Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ).

- Thưa ông, nói giấy phép con càng dẹp lại càng nở ra là do cảm nhận hay có số liệu thực tế?

- Hoàn toàn không cảm nhận. Tổ công tác của Chính phủ đã tiến hành rà soát trong 2 năm 2001- 2002 và phát hiện ra 402 giấy phép con, trong đó đề nghị bãi bỏ 116 giấy phép, chuyển đổi 34 giấy phép khác sang các điều kiện kinh doanh.

Các ban, ngành cũng bãi bỏ hơn 200 văn bản không thích hợp. Nhưng sau một thời gian, một số bộ, ngành cảm thấy mình mất công cụ để điều hành, quản lý nên đề nghị... lấy lại!

Tổ công tác mất hơn 1 năm để đề nghị bãi bỏ 34 giấy phép, cuối cùng chỉ bãi bỏ được có 3 giấy, nên thôi không làm nữa. Và ngay lập tức, các giấy phép con lại nở ra vì nếu thực hiện tốt thì chỉ còn hơn 200 giấy phép, nhưng gần đây, Phòng TM & CN thống kê lại đã lên tới 315 giấy phép.

- Theo quy định, chỉ có các văn bản pháp luật từ nghị định trở lên mới có thể được quy định giấy phép, nhưng thực tế nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố, thậm chí quận huyện, xã phường cũng ban hành giấy phép vô tội vạ. Vì sao lại có chuyện bất tuân luật pháp như vậy?

- Chết là ở chỗ hiện không ai biết ở nước ta có bao nhiêu giấy phép, vì nó biến tướng khôn lường, có cái thành văn, có cái bất thành văn, có cái tạm thời, có cái thay thế... Người ta lợi dụng "chính sách treo", "cơ chế treo", ngành nghề nhạy cảm... để đẻ ra giấy phép.

Bởi thế, không lạ khi có phường nói do quy hoạch phường nên không cho phép mở thêm hiệu phở thứ tư, hay có thành phố đề nghị thanh nữ không được hành nghề cắt tóc vì nó nhạy cảm...

Phòng "một cửa" của UBND quận
Ba Đình (Hà Nội).
Chưa hết, có những viên chức, thậm chí anh bảo vệ cũng có quyền ra thứ giấy phép bất thành văn như kiểu xin đất phải vài năm mới có phép, hoặc có anh bảo vệ đòi khách xuất trình toàn bộ giấy tờ hồ sơ liên quan đến nội dung cần làm việc với giám đốc, mới cho vào cổng!

- Như vậy là đành bất lực?

- Nói bất lực thì hơi quá, nhưng theo tôi, sở dĩ có tình trạng loạn giấy phép con như hiện nay chủ yếu là do lối tư duy lạc hậu, không ít cơ quan nhà nước vẫn có cái nhìn thiển cận và đầy mặc cảm với DN và người dân như kiểu đã là DN thì đương nhiên thuế trốn, là tư thương thì buôn gian, bán lận, ép giá...

Không quản được thì sinh ra giấy phép, theo kiểu vài người đau bụng bắt cả làng uống thuốc. Kinh nghiệm thế giới cho thấy càng hạn chế, kinh tế ngầm càng phát triển mạnh, lậu, trốn thuế càng lớn, cùng với đó là nhũng nhiễu và lạm dụng chức quyền của quan chức càng nhiều hơn. Bởi vậy, điều cốt lõi để loại bỏ giấy phép con là phải thay đổi tư duy.

- Nhưng chỉ thay đổi tư duy có lẽ cũng chưa đủ?

- Đúng là chưa đủ, nhưng nếu thay đổi tư duy sẽ dẫn tới những động thái tiếp theo, ví như xây dựng luật sẽ đồng bộ, tương thích hơn, tránh kẽ hở đẻ ra giấy phép con. Rồi xây dựng luật cũng loại bỏ được tư tưởng lợi ích và quyền hành cục bộ. Thay đổi tư duy cũng khiến việc thực thi luật pháp minh bạch và công tâm hơn.

Chẳng hạn, Bình Dương và Hà Tây có cùng một khung khổ pháp luật, nhưng môi trường kinh doanh của Bình Dương tốt gấp đôi Hà Tây. Đó là do việc thực thi chứ không do luật pháp.

Rồi thay đổi tư duy sẽ khiến cơ quan công quyền và cơ quan soạn thảo luật pháp tôn trọng DN hơn, như phải tôn trọng tính công khai minh bạch, hỏi ý kiến các DN trước khi ban hành.

Thế giới người ta làm chuyện này rất tốt và họ gọi là phương pháp EIA (đánh giá tác động của các văn bản pháp quy như có cần thiết ban hành văn bản này không, thực thi văn bản này tốn kém gì, ai lợi ai thiệt, có tư lợi gì không...?).

- Thưa ông, những điều này rất cần thiết nhưng đó là kế sách lâu dài, còn trong thực tế, với những cơ quan, tổ chức cố tình ban hành những giấy phép con, vẫn phải có chế tài xử lý nghiêm minh?

- Thú thực là khả năng bãi bỏ giấy phép con một cách triệt để ngay trước mắt là khó, chưa nói giấy phép con sắp tới còn đẻ ra bao nhiêu. Vì hiện chế tài xử lý chưa có, chỉ có mỗi việc ban hành sai thì thu hồi, chứ chưa có toà án xử xem tác hại của loại giấy phép này thế nào. Rõ ràng là thay đổi tư duy phải đi liền với chế tài hành chính mạnh, mới mong dẹp bỏ được giấy phép con.

- Xin cảm ơn ông.

Đình Chúc thực hiện

CÙNG MỘT CHUYÊN ĐỀ:

Cần rà soát và thanh lọc

Ý kiến các doanh nghiệp