Cổ phần hoá DNNN tại Nam Định: Con tàu đang chìm!
Các Website khác - 15/10/2005

Cổ phần hoá Doanh nghiệp nhà nước tại Nam Định:
Bài 2: Con tàu đang chìm!


Cái kiểu dựa dẫm, mượn danh Nhà nước để duy trì quyền lợi của một số người như kiểu Giám đốc Trần Đức Nam, ở Nam Định không phải là trường hợp đầu tiên, bởi đã có một tiền lệ ở Cty CP vật liệu và xây lắp Nam Định (VLXLNĐ). Sau 5 năm CPH, CBCNV của Cty này đang đòi bán lại cổ phần cho Nhà nước.

Ông "Đổi mới" chưa... đổi mới
Trong cuộc trao đổi mới đây với PV về việc GĐ Cty kinh doanh và phát triển nhà ở NĐ Trần Đức Nam đòi thay đổi phương án CPH vào phút chót, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh NĐ, kiêm Trưởng ban Đổi mới phát triển DN tỉnh - đã khẳng định quan điểm: "Nếu có ký quyết định mà chưa phù hợp thực tế thì mình thay quyết định, chẳng có vấn đề gì. Làm thế nào cho đúng, chứ cũng không nên cố thủ".

Thực tế là ngày 18.11.2004, ông Nguyễn Văn Tuấn đã từng ký thông báo của UBND tỉnh NĐ (số 368/TB-UB) về việc bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại Cty CP VLXLNĐ. Thế nhưng, sau đó ông lại rút lại thông báo đã ký và hậu quả là Cty CP VLXLNĐ - một trong những DNNN CPH đầu tiên ở NĐ - rơi vào tình trạng bi đát.

Sau khi đọc được bài báo "Chuyện kỳ lạ ở Nam Định: "Bão" đánh tan cổ phần hoá", ông Phạm Văn Cân - Chủ tịch CĐ Cty CP VLXLNĐ, đồng thời là Giám đốc XN khai thác cát và sửa chữa phương tiện thuỷ trực thuộc Cty - đã đến Toà soạn Báo LĐ kêu cứu. Ông Cân cho biết: "Giờ tan đàn sẻ nghé cả rồi, người LĐ của tôi bỏ đi hết. Bây giờ một là xin Nhà nước mua lại cổ phần của chúng tôi, hai là chúng tôi xin mua lại toàn bộ cổ phần của Nhà nước để vực Cty".

Không năng lực, vẫn điều hành
Cty CP VLXLNĐ là DNNN được CPH vào năm 2001, với số vốn điều lệ trên 2 tỉ đồng, nhưng Nhà nước nắm 40% vốn điều lệ, sau 2 năm hoạt động, chính GĐ Sở XD lúc đó là ông Hoàng Đình Kha (nay đã nghỉ hưu) đã đưa ra nhận xét: "Sau CPH, hoạt động của Cty không có hiệu quả. Nguyên nhân là công tác cán bộ và đứng đầu là Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ điều hành (Vũ Duy Khương) năng lực yếu".

Thế nhưng, ông Vũ Duy Khương đã lại tỏ ra rất có "năng lực" khi vượt qua được sự bãi miễn của HĐQT Cty vào tháng 9.2003 và thành công trong việc cản trở quyết định của UBND tỉnh cho bán toàn bộ phần vốn của Nhà nước vào năm 2004.

Năm 2003, Chủ tịch HĐQT - GĐ điều hành Vũ Duy Khương đã bị Trưởng ban kiểm soát Phạm Văn Cân phát hiện một số sai phạm và phải nộp về Cty một khoản tiền lớn (biên bản họp HĐQT ngày 17.6.2003).

Sau sự kiện này, ông Khương đã tìm cách thanh trừng và bỏ lửng XN của ông Cân, khiến người LĐ phải bỏ đi tìm việc nơi khác. Từ 200 người LĐ, nay XN của ông Cân chỉ còn 9 người trông coi tài sản.

Trước tình hình Cty ngày càng bí bét, 3 năm liền không quyết toán được tài chính và không có cổ tức chia cho người LĐ, ngày 20.7, Cty CP VLXLNĐ tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ), bầu HĐQT nhiệm kỳ mới.

Tại ĐHCĐ này, người quản lý phần vốn nhà nước tại Cty với phần vốn áp đảo (8.350 cổ phiếu/12.416 cổ phiếu) đã bầu ra một HĐQT có một số uỷ viên mất tín nhiệm với người LĐ. Trớ trêu là ngay sau đó, HĐQT mới của Cty lại tiếp tục thuê Vũ Duy Khương - người phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng thua lỗ hiện nay của Cty - làm GĐ điều hành.

Trong đơn gửi Báo LĐ, các cổ đông của Cty yêu cầu: "Tổ chức ĐHCĐ bất thường để xem xét lại việc tổ chức Cty và bộ máy lãnh đạo không đủ năng lực. Nếu những người đã mất uy tín vẫn được người giữ cổ phần nhà nước ủng hộ, chúng tôi yêu cầu HĐQT mua lại số cổ phần chúng tôi đang nắm giữ".

Qua hai trường hợp CPH rất "thời sự" ở Nam Định, có thể thấy rằng, nếu không từ bỏ kiểu tư duy hành chính bao cấp, can thiệp sâu vào DN thì các DNNN sau CPH vẫn chỉ là nơi để những kẻ tham quyền cố vị lợi dụng danh nghĩa, vốn của Nhà nước mà tư lợi.

Đỗ Văn