“Dí” khách hàng
Các Website khác - 18/08/2008

 

 
Hình minh họa

Thời gian gần đây, nhu cầu chăm sóc sắc đẹp và thư giãn “trong tiếng nhạc và hương hoa” đang ngày càng được xem trọng bởi áp lực công việc ngày càng cao, do đó, các spa tại TPHCM mọc lên như nấm.

“Trên đời này không có gì miễn phí cả”. Đây là câu đúc kết đầy ngậm ngùi của những người từng ít nhất một lần tham gia các dịch vụ... miễn phí. Bởi, không có nhà kinh doanh nào không tính đến chuyện sinh lời. Do đó, miễn phí cũng có cái giá của miễn phí.

Thời gian gần đây, nhu cầu chăm sóc sắc đẹp và thư giãn “trong tiếng nhạc và hương hoa” đang ngày càng được xem trọng bởi áp lực công việc ngày càng cao, do đó, các spa tại TPHCM mọc lên như nấm. Để kéo khách đến với spa của mình, nhiều nơi đã đến tận các siêu thị phát thẻ chăm sóc da miễn phí cho khách hàng, sau đó còn chu đáo gọi điện thoại sắp xếp giờ thích hợp nhất cho khách. Thế nhưng, quan sát tại một spa trên đường Tạ Uyên (quận 11-TPHCM) trong một chương trình miễn phí dành cho khách hàng mới thấy rất nhiều khách trong spa bước ra không có vẻ gì cho thấy vừa được tận hưởng những liệu pháp chăm sóc da tối ưu, mà trông ai nấy đều “quê quê, ngường ngượng”.

Thực chất với một thẻ kèm quà tặng là một lần chăm sóc da miễn phí tại spa trên đường Tạ Uyên này là khách hàng được soi da bằng máy, sau đó được mát-xa mặt (bằng máy móc hiện đại), đắp mặt nạ (bằng mỹ phẩm cao cấp) trong vòng 60 phút,... hết sức chu đáo và “trên cả tuyệt vời”. Thế nhưng, sau công đoạn này mới thấy “cái giá của miễn phí”, đó là khách hàng được một nhân viên “điều” đến phòng tư vấn và “dí” tới cùng. “Theo máy soi da thì da chị bị khô. Chị mua ba loại mỹ phẩm là sữa rửa mặt, nước hoa hồng và kem dưỡng, tổng cộng 2,1 triệu đồng”. “Tôi ít xài mỹ phẩm, chỉ muốn tới chăm sóc da theo định kỳ thôi”. “Vậy chị đóng 720.000 đồng để được 8 suất, thay vì mỗi suất lẻ đến 120.000 đồng”. “Tôi không mang đủ tiền”. “Vậy chị đóng trước 120.000 đồng, xem như đặt cọc, lần sau đến đóng tiếp”. “Tôi không có đủ 120.000 đồng”. “Có 120.000 đồng thôi mà, sao không có được”...

Tương tự, những spa khác trên đường 3 Tháng 2, Nguyễn Trãi,... cũng với cách làm na ná để lôi kéo khách và khiến khách hàng hết sức khó chịu: không mua gì thì kỳ mà mua thì cứ nơm nớp lo, bởi hiện nay có nhiều spa làm ăn chụp giựt, hứa hẹn đủ kiểu như sẽ chăm sóc da khách hàng theo định kỳ tái tạo da mỗi 28 ngày nhưng cả năm cũng không ngó ngàng tới hoặc khách hàng chưa sử dụng hết thẻ nhưng spa đã biến mất,...

Chất lượng dịch vụ tốt thì khách hàng ắt sẽ quay lại, bởi đã một lần đến thì tất họ có nhu cầu. Đừng để khách bước vào spa (một nơi được xem là cao cấp, với nhiều liệu pháp giúp người sử dụng dịch vụ vừa làm đẹp vừa giảm stress) mà khi bước ra tưởng như vừa... ở trong chợ thì chắc không ai dám đến lần nữa.

Theo NLĐ