Tiền “dưới gối” dân khó nhận diện
Các Website khác - 14/08/2008

 

Khó xác định nguồn vốn trữ trong dân là bao nhiêu.

Đầu năm nay, tin chị Hà (quận 12) bỏ nhà trốn nợ gây bàng hoàng cho cả họ hàng chị sống quây quần gần đó. Bởi chị Hà là hạt nhân kéo kinh tế của cả họ hàng gồm hàng chục gia đình trở nên thịnh vượng, bền vững từ hơn chục năm nay.

Ngân hàng không có tiền: không sao!

Cách làm của chị Hà là rủ họ hàng, người thân góp vốn làm ăn, chia lãi. Những người ít vốn thì chị huy động trả lãi suất 3%/tháng, cao hơn rất nhiều so lãi suất ngân hàng thời kỳ trước năm 2008. Chị Hà còn cho bà con, người thân mua nhà trả góp, nhờ vậy, nhiều người từ quê vào tay trắng, đã thành người có điền sản.

Chị Hà lâm vào khó khăn khi nhà đất bắt đầu đóng băng cuối 2007 đầu 2008, ngân hàng ngưng giải ngân khiến chị khó khăn về thanh khoản, trong khi một số người đòi nợ ráo riết.

Tài sản của chị nằm trong bất động sản còn nhiều, nhưng vấn đề là không có tiền thanh toán những khoản nợ trước mắt. Thế là, những người bà con trước đây từng đi lên nhờ chị, nhảy vào cứu.

Người thì cho treo nợ, không lấy lãi. Người có tiền thì giúp cho vay ngắn hạn không lãi, để chị trả những khoản nợ nóng. Những người từng mua nhà trả góp của chị thì thế chấp nhà lấy tiền giúp chị…

Đến nay, chị vẫn còn những khoản nợ không biết chừng nào mới trả được. Nhưng những sự giúp đỡ đó đã giúp chị giải quyết những khoản nợ nóng và chờ đợi thị trường bất động sản nóng trở lại.

Trường hợp chị Hà có lẽ là một điển hình của một mảng kinh tế, mà ở đó việc kinh doanh không lệ thuộc vốn ngân hàng, như các cơ sở kinh doanh nhỏ, tiểu thương…

Gần đây, phỏng vấn trực tiếp các lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc điều tra về dịch vụ ngân hàng, các phỏng vấn viên đã bắt gặp khá nhiều doanh nghiệp không dùng dịch vụ tín dụng của ngân hàng, mà họ chỉ sử dụng các dịch vụ ngân quỹ, thanh toán.

Ngân hàng cũng chủ yếu cho vay thế chấp, với hạn mức tối đa khoảng 70% tài sản thế chấp, nên nguồn cho vay không lớn so quy mô nền kinh tế. Và đầu năm nay, khi Nhà nước thắt chặt tiền tệ, thì việc các doanh nghiệp họp để huy động vốn cán bộ nhân viên diễn ra khá phổ biến.

Thậm chí, cách đây hơn hai tháng, đối phó tình trạng căng thẳng thanh khoản, một số nhân viên ngân hàng cũng phải đi vận động người thân gửi tiền vào ngân hàng.

Có bao nhiêu “dưới gối”?

Việc ngân hàng hạn chế tín dụng đã gây điêu đứng cho nhiều doanh nghiệp là điều không thể phủ nhận. Nhưng những chuyện kể trên cho thấy nguồn tiền trong dân, mà ngày thường được cất trữ dưới gối đã phát huy tác dụng, khi cần thiết.

Trong một cuộc nói chuyện về lạm phát và tình hình tiền tệ gần đây, ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank đã hỏi cử toạ: “Trong túi các vị có đô la không?”. Một cuộc nói chuyện khác, chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi cũng đề nghị cử toạ: “Ai trong ví có đô la thì giơ tay”.

Cả hai vị này đều muốn ám chỉ với người nghe rằng nguồn tiền, ngoại tệ không chỉ nằm trong ngân hàng, trong lưu thông, mà còn nằm trong dân. “Chỉ có điều là không biết nó nhiều bao nhiêu”.

Nhớ lại thời kỳ chứng khoán liên tục tăng điểm, người ta cũng thắc mắc tiền ở đâu ra mà cứ liên tục đổ vào chứng khoán. Đã có nhiều bình luận trên báo chí rằng đó là tiền dân cất trong tủ và lấy ra đầu tư.

Chừng nào số tiền đó hết, thì chứng khoán sẽ hết sốt. Nếu bình luận này là đúng, thì dân chưa kịp hết tiền, đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn của kinh tế vĩ mô và chứng khoán xuống không phải do dân hết tiền.

Báo cáo của Chính phủ cũng đã thừa nhận tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng năm 2007 đều tăng gấp đôi so với tốc độ tăng của năm trước, là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá cả thị trường tăng cao trong thời gian qua.

Và nay, khi tín dụng bị siết lại, tổng phương tiện thanh toán tăng chậm lại, thì dường như nền kinh tế đang bình ổn trở lại. Sau đợt tăng giá xăng gần như chỉ có dịch vụ vận chuyển tăng giá đáng kể. Các loại hàng hoá dịch vụ khác hầu như không tăng giá, một số loại còn giảm giá.

Có thể nói không quá rằng, những bất ổn kinh tế vĩ mô vừa qua xuất phát từ hoạt động ngân hàng. Và trong cơn sốc của nền kinh tế vừa rồi, chính nguồn nội lực mà các cơ quan thống kê chưa thể tính chính xác - nguồn tiền trữ trong dân - đã góp phần giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Theo Kim Văn
Báo SGTT