DN "ma" móc túi Nhà nước: Cơ chế quản lý chưa theo kịp
Các Website khác - 26/03/2006

Doanh nghiệp "ma" móc túi Nhà nước:
Bài cuối: Cơ chế quản lý chưa theo kịp

Để khép lại chuyên đề về thực trạng và hậu quả nghiêm trọng của doanh nghiệp (DN) "ma" ở nhiều góc độ khác nhau. PV Lao Động đã phỏng vấn ông Trương Chí Trung - Thứ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan chịu trách nhiệm chính về hoàn thuế, khấu trừ thuế. Ông Trung cho biết:

- Nhìn từ từng trường hợp cụ thể, thấy vấn đề gian lận thuế rất nghiêm trọng, nhưng từ góc độ tổng thể, tỉ lệ DN loại này không nhiều (chỉ khoảng vài chục DN trong tổng số vài trăm nghìn DN). Mức độ vi phạm của các DN này cũng không quá lớn như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa.

Cụ thể: Nhiều bài báo nói rằng gian lận trong hoàn thuế GTGT hàng chục tỉ đồng, nhưng thực chất đấy là hàng chục tỉ đồng doanh thu. Số thuế hoàn chỉ chiếm 5-10% doanh thu. Tỉ lệ thuế GTGT thất thoát trên thực tế chỉ chiếm khoảng dưới 1% tổng thu thuế GTGT.

Về nguyên nhân, từ chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ mọi rào cản ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của DN... Đây là chủ trương đúng, nhưng trong khi các cơ chế, chính sách, quản lý chưa được hoàn thiện đồng bộ, những nỗ lực đó đã bị một số DN lợi dụng.

- Bộ Tài chính có những biện pháp gì để hạn chế tình trạng gian lận thuế kiểu này?

- Bộ Tài chính đã cùng với cơ quan công an vào tận trại giam để tìm hiểu và thấy rất rõ là nhiều lãnh đạo DN "ma" không hiểu biết gì về pháp luật. Họ bị lợi dụng để đứng tên thành lập DN. Đối với loại này,

Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tuyên truyền cho người dân có hiểu biết rộng rãi, tránh bị lợi dụng. Những trường hợp có nghi ngờ, cơ quan thuế phải mời giám đốc DN lên chất vấn trước khi bán hoá đơn, thay vì chỉ cần nhân viên kế toán như trước. Từng bước tiến tới khuyến khích DN tự in hoá đơn, tự chịu trách nhiệm về hoá đơn của mình. Tuy nhiên, do đặc thù của VN, DN đa phần là vừa và nhỏ nên chưa thể phát hành và quản lý được hoá đơn nên sẽ phải làm từng bước. Các quy định về chi tiêu tài chính phải rõ ràng hơn, hạn chế tình trạng mua hoá đơn để hợp pháp hoá các khoản chi nhằm móc tiền từ ngân sách nhà nước.

- Theo ông, về chiến lược, cơ quan chức năng cần có những sửa đổi gì về chính sách, cơ chế quản lý?

- Kinh tế ngày càng phát triển, số DN ngày càng tăng, cơ quan quản lý không theo kịp, và cũng không có sức nào quản lý nổi nếu cứ theo cách hiện nay, nên cần có hệ thống thông tin quản lý DN để có thể áp dụng quản lý theo phương pháp rủi ro.

Để làm được việc này, cần có bộ tiêu chí phân loại doanh nghiệp, mức độ rủi ro... để cơ quan thuế và hải quan đối chiếu thực hiện kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng vẫn thực hiện đồng thời phương pháp quản lý theo xác xuất.

Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý theo phương pháp rủi ro hiện vẫn còn nhiều chỗ vướng do khung pháp lý chưa đồng bộ. Việc cấp sổ xanh cho DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế thời gian qua cũng là một bước để dần tiến tới phương pháp quản lý rủi ro - biện pháp được xem là hiện đại nhất trong quản lý thuế hiện nay. Dự kiến năm 2007, cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra theo xác xuất.

- Xin cảm ơn ông!

Bích Hằng thực hiện

Trong chuyên đề này, chỉ cộng lại một số vụ việc mà báo Lao Động đã đăng tải trong tuần (rất ít so với số vụ việc xảy ra), lượng tiền bị hàng trăm DN "ma" móc túi nhờ khai khống hoá đơn GTGT đã khoảng 150 tỉ đồng. Ngoài ra, khoản tiền nợ thuế nhập khẩu khó đòi đã gần 1000 tỉ đồng ( chủ yếu do DN "ma" gây nên) và nguy hại hơn, nó là mảnh đất màu mỡ để hàng loạt hành vi tội phạm khác có điều kiện hoạt động và làm méo mó chính sách, cơ chế (đúng và cần thiết) của Nhà nước. V.H