Doanh nghiệp nhà đất vừa và nhỏ kêu trời
Các Website khác - 13/01/2006
Doanh nghiệp nhà đất vừa và nhỏ kêu trời

Vấn đề thời sự được các DN kinh doanh nhà đất trên địa bàn TPHCM quan tâm nhất là Nghị định 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Theo nhận định của cácDN, với các quy định mới này thì hầu như không còn đất sống cho các DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nhà đất.

Để thực hiện dự án nhà ở như thế
này cần cả ngàn tỉ đồng, nếu
nghiêm cấm huy động vốn, sẽ rất
khó cho doanh nghiệp.

Nghiêm cấm huy động vốn dưới mọi hình thức
Ngày 12.1, cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2005 của Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) biến thành cuộc họp khẩn cấp để bàn và xem xét các quy định trong Quy chế khu đô thị mới - được ban hành kèm theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 5.1.2006 của Chính phủ.

Hầu hết các thành viên trong Ban chấp hành Horea đều bất ngờ đối với những quy định mới này. Trong đó, tập trung vào một số quy định sau: Điều 11, quy định: "Chủ đầu tư dự án khu đô thị mới phải bảo đảm có đủ các điều kiện sau: Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh bất động sản; có vốn đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư tham gia vào dự án không nhỏ hơn 20% tổng mức đầu tư dự án..."; điều 23 quy định: "...Nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức...".

Hầu hết các thành viên Ban Chấp hành Horea đều có chung nhận định, những quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả người có nhu cầu mua nhà ở. Việc nghiêm cấm huy động vốn từ khách hàng sẽ là bức tường rào chặn con đường thoát cuối cùng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn đối với những khách hàng, những người có nhu cầu nhà ở cũng sẽ gặp khó khăn. Bởi rất ít khách hàng có khả năng mua nhà trả tiền một lần, mà phải trả dần trong nhiều năm theo tiến độ của dự án, cũng như khả năng tích luỹ tài chính.

Doanh nghiệp kêu trời
ông Lê Hoàng Châu - Phó Chủ tịch Horea - cho biết: "Chủ tịch Horea đã chỉ đạo cho chúng tôi tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, tìm hiểu toàn bộ Nghị định 02 để làm văn bản kiến nghị UBND thành phố, Thủ tướng Chính phủ xem xét. Với những quy định này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua và nhượng trận địa cho doanh nghiệp nước ngoài.
Xung quanh khái niệm "dự án chưa triển khai" phải được làm rõ và có hướng dẫn rõ ràng".

Cũng theo ông Châu: "Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở, trong đó có quy định cho phép doanh nghiệp được huy động vốn của khách hàng không quá 70% giá trị món hàng. Vậy, giữa Nghị định 02 và Luật Nhà ở có mâu thuẫn hay không?".

Còn tiến sĩ Đỗ Thị Loan - Tổng Thư ký Horea - thì cho rằng: "Để ngăn chặn tình trạng chiếm dụng vốn của khách hàng thì có nhiều cách... nếu có xảy ra tranh chấp thì đưa ra toà, quyền lợi của khách hàng vẫn được đảm bảo, chứ không nên cấm huy động vốn của khách hàng".

Ông Dương Công Thuyên - Giám đốc điều hành Cty TNHH thương mại Him Lam cho rằng, phải phân định rõ như thế nào là dự án chưa triển khai đầu tư, trong Nghị định 02 chưa quy định rõ điều này.

Cũng theo ông Thuyên: "Một dự án nhà ở cần phải đầu tư cả ngàn tỉ đồng, theo quy định thì chủ đầu tư cần phải có 200 tỉ, rất ít doanh nghiệp có được số vốn này, nếu không cho huy động vốn thì doanh nghiệp biết lấy đâu ra? Doanh nghiệp cỡ như Him Lam cũng không làm được. Rốt cuộc, chỉ có các tổng Cty, các Cty nước ngoài mới có khả năng thực hiện các dự án nhà ở".

Ngọc Huân