Không thể đổi được tiền cotton mệnh giá nhỏ ở ngân hàng, người ta đành tìm đến với các chợ đen dù biết là giá cả trên trời. Năm nay, tỷ lệ đổi ở các khu vực đền chùa trên địa bàn Hà Nội và TP HCM đắt gấp 3-4 lần năm ngoái. Một cọc tiền gồm 100 tờ 200 đồng có giá 70.000-75.000 đồng.
Theo khảo sát của VnExpress, năm nay, dịch vụ đổi tiền lẻ ở khu vực Phủ Tây Hồ (Hà Nội) là nhộn nhịp nhất. Ngay từ cổng vào, đã có khoảng 4-5 năm người ngồi bên cạnh những tủ đựng tiền để chào mới khách. Những tưởng năm nay Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền mới các loại tiền mệnh giá nhỏ, người dân sẽ không thể đổi được tiền lẻ để đi chùa chiền. Thế nhưng các bà đổi tiền ở Phủ Tây Hồ vẫn có thể đáp ứng được bất cứ nhu cầu nào. Những mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 rồi 2.000, 5.000 và 10.000 đồng, loại nào cũng có tuy số lượng không nhiều như mọi năm. Thậm chí, có người còn tích được cả tiền 100 đồng để đổi cho khách dù loại tiền này đã không còn lưu thông trên thị trường từ vài năm nay.
Giá đổi thì, nói theo lời chị Ly - một khách đang đi đổi tiền - "đắt không thể tưởng tượng nổi". Tiền 200 đồng vốn được các tín đồ ưa chuộng nhất khi đi lễ đầu năm nên đây cũng là loại mệnh giá có tỷ lệ đổi "cắt cổ" nhất với 75 ăn 20. Tức là một cọc tiền 200 đồng tương ứng với 20.000 đồng, khách phải bỏ ra tới 75.000 đồng, mất đứt 55.000 đồng. Nếu khách chấp nhận tiền đã qua sử dụng thì tỷ lệ 50-50, đổi 40.000 được một cọc 20.000.
Các mệnh giá khác, tỷ lệ thấp hơn một chút song giá cũng chẳng "mềm" chút nào. Chẳng hạn, 1 cọc 500 đồng tương ứng 50.000 đồng được chào bán với giá lên tới 170.000 đồng. Trong khi đó, khách cũng phải mất tới 1,3 triệu đồng để đổi một cọc 5.000 đồng trị giá 1 triệu đồng, tiền đã dùng. Nếu là tiền 5.000 đồng mới thì tỷ lệ đổi là 10 ăn 5. Tức là đổi 2 triệu được 1 triệu.
Tiền giấy mệnh giá nhỏ vẫn xuất hiện trong tủ kính của giới kinh doanh ở khu vực Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn |
"Em đi đổi bây giờ là hợp lý đấy chứ vài hôm tới giá còn cao hơn, mà cũng không có để đổi đâu", chị Hường, một người chuyên đổi tiền ở Phủ Tây Hồ đon đả. Khi được hỏi làm thế nào mà vẫn còn tiền lẻ mới như vậy để đổi trong khi Ngân hàng Nhà nước không còn phát hành nữa, chị Hường thản nhiên: "Nhà tôi buôn thì phải có chứ. Ngay cả những người đổi tiền ở trên phố Đinh Lễ - nổi tiếng với hoạt động đổi tiền, ngoại tệ của Hà Nội - cũng phải lấy ở đây cơ mà".
Càng sát cổng Phủ, dịch vụ đổi tiền lẻ càng nhiều nhưng phí đổi cũng cao hơn.
Phố đổi tiền Đinh Lễ (Hà Nội) tuy trầm lắng hơn các năm trước song vẫn có cảnh mời chào khách kín đáo. Khách vừa dừng xe xuống bên cạnh Bưu điện Hà Nội, bà chủ trông xe đã đon đả: "Gửi xe hay đổi tiền, đổi tiền thì vào đây chị em mình mặc cả cho kín đáo".
Tuy nhiên khi khách đề cập tới việc đổi tiền lẻ để đi lễ, bà thất vọng ra mặt và nói: "Tiền 200, 500, 1.000 hay 2.000 giờ không có đâu em ạ. Em đổi tỷ lệ 3 ăn 1 bọn chị cũng chịu. Ở đây ai cũng thế, chỉ có tiền 5.000 đồng và 10.000 đồng thôi". Giá đổi cũng rất đắt đỏ. Tiền mệnh giá 5.000 đồng (đã qua sử dụng) được đổi với tỷ lệ 10 ăn 5, mệnh giá 10.000 đồng mới đổi 10 ăn 9.
Thấy khách vẫn còn ngần ngại, bà tiếp thị: "Không có tiền mới thì đổi tiền xu cũng được em ạ. Đi lễ chùa thành tâm là chính, tiền nào chả là tiền. Trần sao thì âm vậy, mình tiêu xu thì các cụ cũng tiêu xu có sao đâu". Bà cho biết, tỷ lệ đổi tiền kim loại là 10 ăn 8 đối với các loại mệnh giá khác nhau.
Theo lời bà, tiền lẻ năm nay rất hiếm nên người làm nghề đổi tiền cũng không nhiều như trước. Cả phố Đinh Lễ chỉ còn khoảng 4-5 người đổi tiền, mà cũng không dám "lộ mặt" như trước do sợ công ăn "truy quét". Những người này hoặc là kiêm cả trông xe, hoặc là kiêm cả bán quán cóc hay chạy xe ôm.
Trao đổi với VnExpress, một cán bộ của Công an Quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay Nhà nước chưa có quy định nào về việc cấm đổi tiền lẻ nên việc xử lý những người đổi tiền ở phố Đinh Lễ rất khó. "Chúng tôi chỉ tập trung dẹp các hoạt động trao đổi ngoại tệ trái phép. Còn việc đổi tiền lẻ chưa có chế tài nào cả, chúng tôi chỉ có thể khép họ vào hành vi gây mất mỹ quan, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thủ đô và tội gây mất trật tự công cộng. Tuy nhiên, việc xử phạt vẫn chỉ là hành chính nên cứ phạt xong họ lại xuất hiện", vị cán bộ trên cho biết.
Gần các chùa trên địa bàn TP HCM cũng có dịch vụ đổi tiển lẻ nhưng trầm lắng hơn Hà Nội. Tiền lẻ được đổi nhiều nhất hiện nay là mệnh giá từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng. Trong đó, mệnh giá 5.000 và 10.000 đồng được khách vào chùa đổi nhiều nhất. Chị Lan, chủ một quầy nước gần chùa Việt Nam Quốc Tự (góc đường 3-2 và Lê Hồng Phong, TP HCM) cho biết, các chùa ở Hà Nội thường có nhiều thùng bỏ tiền theo các cửa ngõ khác nhau. Vì thế, người đến thăm muốn đổi tiền mệnh giá nhỏ để bỏ được nhiều nơi. Ngược lại, ở TP HCM các chùa chỉ có một hòm công đức nên người đi lễ không cần thiết lắm trong việc đổi tiền lẻ.
Phí đổi tiền ở những khu vực trên cũng tương đối cao so với việc đổi tiền lẻ ở các ngân hàng. Tuy nhiên, so với ngoài chợ đen, tiền ở khu vực này được bán với giá mềm hơn. Cụ thể, tiền có mệnh giá 10.000 đồng được đổi với tỷ lệ 10 ăn 9, tiền 5.000 là 10 ăn 7.
Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Hồ Hữu Hạnh cho rằng, những người hàng nghề đổi tiển lẻ để lấy phí dịch vụ 10-20% là hành vi không lành mạnh và cần cảnh báo. Tuy nhiên, hiện ngân hàng vẫn chưa có quy định nào liên quan đến vấn đề này.
Hà Vy - Nguyễn Thùy
▪ Bánh kẹo nội "lên ngôi" (23/01/2006)
▪ Phải mất từ 30-60 phút để thanh toán tiền mua hàng trong siêu thị (23/01/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 23.1 (23/01/2006)
▪ Ngừng xét các dự án đầu tư mới sản xuất lắp ráp ôtô (23/01/2006)
▪ Làm chưa đúng luật (23/01/2006)
▪ Chưa tìm được tiếng nói chung (23/01/2006)
▪ Được kinh doanh vàng ở nước ngoài (23/01/2006)
▪ Ngày 9/2 Thủ tướng sẽ gặp doanh nghiệp (23/01/2006)
▪ Kiện vi phạm sở hữu trí tuệ là chuyện thường (23/01/2006)
▪ Bao thanh toán chưa phổ biến ở Việt Nam (23/01/2006)