Các khu đô thị mới như An Phú, Nam Sài Gòn... đang cần sự điều chỉnh của Luật Nhà ở. |
Nhiều quy định của dự thảo Luật Nhà ở đã "đi" quá sâu vào chi tiết kỹ thuật, hoặc trái với quy định của các bộ luật khác trong đó có Luật Xây dựng. Đa số đại biểu Quốc hội tại TP HCM đang đề nghị loại những quy định như vậy khỏi dự luật.
Trong Hội thảo góp ý Dự thảo Luật nhà ở diễn ra sáng 6/9 tại TP HCM, Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM Lê Hiếu Đằng chỉ ra rằng, khoản 3 điều 56 Luật xây dựng quy định về việc thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ: "Nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên... phải do tổ chức, cá nhân thiết kế có đủ năng lực...". Trong khi đó, khoản 3 điều 32 dự thảo Luật Nhà ở nói về kiến trúc nhà ở lại khác: "Nhà riêng lẻ có chiều ngang không dưới 6m và chiều sâu không dưới 10m; nhà biệt thự không được xây dựng quá 3 tầng và diện tích xây dựng không vượt quá 50% diện tích khuôn viên đất".
"Với hai quy định này, người dân sẽ không biết phải thực hiện như thế nào cho đúng. Cán bộ quản lý nhà nước cũng rối trong việc áp dụng luật", ông Đằng nhận xét. Theo ông những quy phạm pháp luật đã được quy định trong các bộ luật khác thì dự thảo Luật Nhà ở nên tránh "đụng" vào để đảm bảo không có sự vênh nhau giữa các văn bản pháp luật.
Tham khảo những kinh nghiệm quản lý nhà đất thời điểm trước năm 1975, ông Đằng cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa hình thức "sang nhà" vào nội dung của dự thảo Luật Nhà ở. Ông Đằng giải thích: "Trước 75 và đến nay, vẫn có hiện tượng người dân chỉ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà trên đất mà không chuyển nhượng đất có nhà. Đây là một đặc thù trong chuyển nhượng nhà ở mà chưa đưa vào văn bản pháp luật".
Đối với điều 24 dự thảo Luật Nhà ở, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm thông tin và tài nguyên đất thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM khẳng định, việc định hướng áp dụng mức tối thiểu 20% diện tích sàn là nhà chung cư cho các đô thị từ loại 3 trở lên, 40% cho đô thị loại 1 và 2, 60% cho đô thị đặc biệt là có tính máy móc áp đặt. "Quy định này vừa thiếu tính khả thi vừa không phù hợp với tình hình đặc thù ở một số đô thị", ông Liên nói. Theo ông Liên, không thể áp đặt chỉ tiêu này đối với thành phố Đà Lạt, Hà Nội hay TP HCM khi mà các thành phố lớn đang có chủ trương khuyến khích xây dựng nhà cao tầng để giải quyết tình trạng thừa dân số, thiếu nơi ở. Ông Liên cũng cho rằng, việc định hướng vào phát triển nhà cao tầng ở các đô thị là đúng, nhưng "nhiệm vụ" định hướng nên giao cho địa phương trong khi Chính phủ đã "giữ" quyền phê duyệt quy hoạch chung.
Các đại biểu cũng tranh luận nhiều về định nghĩa nhà ở xã hội (cho người có thu nhập thấp), theo đó đối tượng cụ thể như thế nào là thuộc diện người có thu nhập thấp. Đại biểu Phạm Hùng Sanh, Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng, nói rằng, không cần phải phân biệt nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ như dự thảo Luật Nhà ở mà chỉ cần xác định rõ hai loại nhà: nhà để ở và nhà ở cho thuê. Ông Sanh nhấn mạnh: "Luật Nhà ở nên quy định rõ việc đánh thuế mạnh vào loại nhà ở cho thuê để tránh nạn đầu cơ tích trữ bất động sản".
Theo ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở xây dựng TP HCM, chỉ trong vòng 10 năm (1991-2000) sau ngày chuyển đổi cơ chế đổi mới và phát triển quỹ nhà, quỹ nhà ở của thành phố đã tăng lên 44,9%. Đến 2004, diện tích ở bình quân 12m2/người. Nếu so sánh với 15 năm trước đó (1975-1991) quỹ nhà ở chỉ tăng 19,4%, diện tích ở bình quân đầu người từ 7 m2 năm 1975 giảm xuống chỉ còn 5,8 m2 năm 1984, sau đó tăng lên 9 m2 vào năm 1999, ông Dũng cho rằng cơ chế chính sách quản lý Nhà nước có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển và mở rộng quỹ nhà ở cho người dân đô thị trong thời gian qua.
"Đó chính là lý do Luật Nhà ở càng phải quan tâm đến nhà ở của đối tượng người dân có thu nhập thấp", ông Dũng nhấn mạnh. Ông Dũng cho biết, TP HCM hiện có hơn 80% nhà ở thương mại - tức được mua đi bán lại kiếm lời chứ chủ sở hữu không có nhu cầu ở -, hơn 10% là nhà ở cho người không đủ thu nhập để mua nên phải thuê nhà. "Mặc dù đã vận dụng nhiều cơ chế chính sách nhưng quỹ nhà ở thành phố hiện chỉ mới có thể thỏa mãn cho khoảng 20% nhu cầu nhà ở cho người nghèo", ông Dũng nói.
Nhìn chung, hầu hết đại biểu Quốc hội tại TP HCM đều rất bức xúc trong việc tìm kiếm các giải pháp, cụ thể hóa quy định pháp luật nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp của thành phố. Đối tượng người có thu nhập thấp bước đầu được thành phố xác định làm việc ở 3 ngành chính là giáo dục, y tế và hành chính, theo các đại biểu Quốc hội là chưa đầy đủ về đối tượng.
Phan Anh
▪ ''Sống chung'' trong kinh doanh (31/08/2005)
▪ Hai DN XK cá ba sa được giảm thuế chống bán phá giá (07/09/2005)
▪ Chưa có thông tin chính thức về việc Allianz sẽ rút khỏi Việt Nam (07/09/2005)
▪ ACB được tạp chí The Banker đánh giá là ngân hàng xuất sắc tại Việt Nam (07/09/2005)
▪ Khuyến mãi - không chỉ màu hồng (07/09/2005)
▪ Xử lý nợ các tàu đánh bắt xa bờ: Như múc nước trong chậu thủng (07/09/2005)
▪ Lập lại kỷ cương ngành chè (07/09/2005)
▪ Không hãng hàng không nào dám nói mạnh (07/09/2005)
▪ Hàng tồn sau khuyến mãi sẽ sung công quỹ (07/09/2005)
▪ Giá thép nhích lên (07/09/2005)