Lập lại kỷ cương ngành chè
Các Website khác - 07/09/2005
Lập lại kỷ cương ngành chè
Công Thắng

Thu hái chè ở Công ty Mộc Châu -
Sơn La.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 9 thế giới về sản lượng chè. Nhưng sự phát triển của ngành chè Việt Nam đang còn nhiều bất cập. Để khắc phục, ngày 5.9, Hiệp hội Chè Việt Nam đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển chè chất lượng và giá trị để đưa sản phẩm chè Việt Nam hội nhập với thị trường quốc tế.

Bất ngờ chè VN
Theo Hiệp hội Chè VN, chỉ trong vòng 10 năm (1995 - 2005) sản xuất chè ở VN đã phát triển khá nhanh, đưa VN vào nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về quy mô sản lượng, xuất khẩu (XK) và mức độ gia tăng diện tích. Đến nay, VN đã đứng vị trí thứ 7 về XK chè của thế giới, chiếm 6% tổng sản phẩm XK chè toàn cầu.

Ông Nguyễn Kim Phong - Chủ tịch Hiệp hội Chè VN - cho biết: Trong lúc diện tích trồng chè toàn thế giới hầu như không tăng, 10 năm qua, diện tích chè của VN liên tục tăng với tốc độ 3,7%/năm. Năng suất chè VN đã đạt tới 1.180kg chè quy khô/ha. Ông Phong khẳng định: "Đây là tốc độ phát triển chưa từng có ở VN trong 100 năm qua".

Đến năm 2004, cả nước đã đạt 122 ngàn hécta chè và có hơn 600 DN sản xuất và chế biến chè cùng hàng vạn lò chế biến thủ công quy mô nhỏ. Các DN có đủ loại công nghệ sản xuất chè trên thế giới, sản xuất được các loại chè đen và chè xanh truyền thống, sản xuất chè Ô Long, chè xanh dẹt, chè dạng viên, các loại chè ướp hoa và chè đặc sản.

Cuộc chiến nguyên liệu
Xuất khẩu chè tăng nhanh, nhưng trong ngành chè cũng đang diễn ra một nghịch lý bất cập, đó là phát triển quá nhanh các cơ sở chế biến dẫn đến cạnh tranh tăng giá để mua nguyên liệu của các DN chế biến chè đã phá vỡ sự cân bằng giữa vùng nguyên liệu và khả năng chế biến.

Kết quả điều tra, Yên Bái có 39 DN và 60 cơ sở có tổng công suất chế biến khoảng 76 ngàn tấn búp tươi, nhưng sản lượng chè của cả tỉnh mới chỉ đạt khoảng 55 ngàn tấn. Tình trạng nêu trên diễn ra ở hầu hết các tỉnh trồng chè. Các nhà máy không có vùng nguyên liệu riêng, nên chỉ biết dùng biện pháp tăng giá thu mua để thu hút nguyên liệu. Với sự phát triển DN chế biến thiếu cân đối nêu trên, các tỉnh trọng điểm chè đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán quyết liệt, thậm chí dẫn tới đổ máu như ở vùng chè Thanh Ba hồi trung tuần tháng 7.2005.

Năm 1996, giá chè búp tươi mới chỉ khoảng 1.131đ/kg thì nay đã lên tới 2.300đ/kg. Tại Thái Nguyên, giá chè búp tươi đã lên tới 2.400đ/kg. Tại Lào Cai, đầu vụ giá chè búp mới khoảng 1.600 - 1.800đ/kg thì nay đã tăng lên 2.150 - 2.700đ/kg; ở Hà Giang đầu vụ giá khoảng 2.000đ/kg thì giữa vụ tăng đến 3.500 - 5.000đ/kg...

Theo Hiệp hội Chè, tăng giá chè búp tươi lẽ ra phải tỉ lệ thuận với chất lượng nguyên liệu. Do việc tăng giá thu mua nguyên liệu "vô tội vạ" đã nảy sinh nghịch lý là phẩm cấp chè có xu hướng sụt giảm do tình trạng khai thác cây chè quá mức, không tương xứng với đầu tư chăm sóc làm cho cây chè suy kiệt về dinh dưỡng và tốc độ sinh trưởng.

Những năm gần đây, phẩm cấp chè búp tươi chính vụ các DN chế biến thu mua được chỉ ở chất lượng thấp, chè loại A gần như không mua gom được. Điều này không chỉ làm cho các DN lao đao mà còn khiến cho người trồng chè sẽ khó khăn do cây chè bị kiệt sức vì khai thác quá mức.

Để khắc phục tình trạng trên, Hiệp hội Chè VN sẽ thành lập ngay một tổ chức quản lý và hệ thống kiểm tra giám sát chất lượng từ trung ương đến địa phương. Công bố các danh mục tiêu chuẩn ngành, các loại thuốc trừ sâu được phép sử dụng, các loại tiêu chuẩn nhà máy chế biến và kiến nghị các cơ quan quản lý áp dụng các tiêu chuẩn để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất chế biến chè.