Xử lý nợ các tàu đánh bắt xa bờ: Như múc nước trong chậu thủng
Các Website khác - 07/09/2005
Xử lý nợ các tàu đánh bắt xa bờ tại Quảng Nam và Quảng Ngãi:
Như múc nước trong chậu thủng
Trần Đăng

Tàu xa bờ đang "nằm bờ" tại cửa
Sa Kỳ (Quảng Ngãi).
Chương trình "đánh bắt xa bờ" đã triển khai được tám năm qua. Những hệ lụy từ chương trình này đã bày ra trước mặt khiến các nhà quản lý buộc phải "thu quân". Ở Quảng Nam, những chiếc tàu trị giá 10 tỉ đồng, giờ rao bán 3 tỉ đồng; còn ở Quảng Ngãi, giá 20 tỉ đồng, giờ rao 2 tỉ đồng mà chẳng ai mua. Thu được số nợ "xa bờ" này khác nào múc nước trong chậu thủng!


Ném tiền xuống biển
Trong hai năm 1998-1999, chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển (QHTPT) Quảng Nam cho vay để đóng mới 24 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, sau 7 năm hoạt động không hiệu quả, 9 trong tổng số 24 tàu nói trên đem bán đấu giá được 3 tỉ đồng (giá lúc đóng là 10,35 tỉ)! Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 49 chiếc tàu xa bờ trị giá 52 tỉ. Phần lớn số tàu này hoạt động không hiệu quả nên sẽ phải bán đấu giá.

Ở Quảng Ngãi, trong hai năm 1999-2000, chi nhánh QHTPT tỉnh này cho vay 30 tỉ đồng để đóng mới 34 tàu. Sau 5 năm, số dư nợ của các dự án là 29,113 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn 14,151 tỉ đồng. Một hội đồng thẩm định được lập ra để xem xét từng dự án. Cuối cùng thống nhất bán đấu giá 16 tàu, với số dư nợ 13,681 tỉ đồng. Mà cũng chỉ "dự tính bán" thế thôi, còn phải qua đủ các loại thủ tục chán chê nữa, nên không biết số tiền "đổ xuống biển" kia sẽ thu về được bao nhiêu.

Cũng ở Quảng Ngãi, trước khi chi nhánh QHTPT thế chỗ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh này cũng đã kịp ôm vào mình 30 tàu với số tiền 20 tỉ đồng. Sau gần 10 năm "xa bờ", trong 30 tàu này, một số đã "lên bờ" hoàn toàn từ 4-5 năm nay, số còn lại thì sống lay lắt, một số khác "mất tích" tận Kiên Giang hoặc Quảng Ninh nên khó đòi được nợ, chỉ có 3 chủ dự án là có lui tới ngân hàng để trả nợ.

Một ban thẩm định cũng được lập ra và đề xuất: Bán 10 chiếc với giá khoảng 2 tỉ đồng (giá gốc 8 tỉ đồng)! Ngân hàng này còn nêu một điều kiện "ưu đãi" khác: Chủ dự án nào trả chừng 200 triệu đồng sẽ được "ưu tiên" cho tàu tiếp tục hoạt động! Sở dĩ phải "mềm hoá" cơ chế như vậy là vì, nếu đem bán thì mỗi chiếc cũng chỉ được... 200 triệu đồng thôi.

Sẽ thu được bao nhiêu?
Không ai trả lời được là sẽ múc trong chiếc chậu thủng "xa bờ" kia được bao nhiêu nước cả. Vì rằng, ngoài việc bán đổ bán tháo những chiếc "trên bờ" với giá chỉ bằng 10% so với lúc đóng, các chủ nợ còn phải đối mặt với một thực tế khác, đó là việc tẩu tán tài sản của các chủ dự án.

Việc đem bán đấu giá những chiếc tàu xa bờ làm ăn không hiệu quả là một giải pháp gỡ gạc của ngân hàng, nhưng qua đó cũng thấy nổi lên một điều: Giá trị thực của những chiếc tàu xa bờ lúc mới đóng đã vượt mọi sự tưởng tượng của ngư dân! Vì rằng, chủ tàu (người vay tiền) không phải là người trực tiếp đóng tàu theo ý mình mà phải đóng theo đơn đặt hàng của người khác.

Hàng loạt các chi phí không đáng có từ kẽ hở này đã đội giá thành của mỗi chiếc tàu. Ra khơi với ngư dân là cõng trên lưng đống nợ. Đã vậy, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ không có, nên việc thất bại là lẽ đương nhiên. Một số chủ dự án khác không hẳn đã thua lỗ, nhưng thừa cơ té nước theo mưa luôn.

Bây giờ, hay tin sẽ bán phần lớn số tàu xa bờ, nhiều chủ dự án bắt đầu tìm cách tẩu tán tài sản. Sẽ có những con tàu chỉ còn bộ khung chứ không có lưới (một vàng lưới trị giá 300-400 triệu đồng). Một con tàu trị giá cả tỉ đồng, đã hư hỏng phần vỏ, giờ chỉ còn bộ khung với máy móc xập xệ, chắc chắn sẽ khó có ai mua, nói gì đến việc gỡ vốn!

Một thông tin khá khôi hài chung quanh việc xử lý tàu xa bờ này. Đó là chuyện các chủ nợ đã "mát tay" trong việc chi tiền để xử lý. Ví như chi nhánh QHTPT Quảng Nam lập dự toán chi phí cho việc thu hồi và đấu giá 24 chiếc tàu thuộc trách nhiệm cho vay của mình là 600 triệu. Bình quân để xử lý được một tàu phải mất 25 triệu như thế thì quả là tiền... chùa.