Giá đường tụt dốc không phanh
Các Website khác - 09/01/2006

Chưa một kg nào trong số 40.000 tấn đường cập cảng, giá bán trong nước đã giảm đến chóng mặt. Cơ quan quản lý "hỷ hả" bởi chính sách điều hành mới đã phát huy tác dụng. Trái lại, các nhà nhập khẩu bắt đầu "run" trước diễn biến giá mới.

Đường dồi dào. Ảnh: TBKTVN.

Thị trường đường ngày đầu tuần đón thêm những thông tin tốt lành, giá tiếp tục giảm 200-500 đồng/kg so với cuối tuần trước. Lượng hàng dồi dào dù nhu cầu vẫn tiếp tục tăng cao trong những ngày giáp Tết.

Tại một số cửa hàng kinh doanh ở TP HCM sáng nay, đường RE được chào bán ở chợ Bình Tây chỉ còn 10.200 đồng/kg và RS là 10.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng so với tuần trước.

Không chỉ TP HCM mà nhiều chợ, cửa hàng, đại lý tại Hà Nội, giá đường bán ra cũng chỉ dao động quanh mức 10.000-11.000 đồng/kg, giảm gần 2.000 đồng, điều được các chủ đại lý coi là chưa bao giờ xảy ra trên thị trường. Đại diện Ban quản lý chợ Hôm ví von: "Thị trường đường như có phép màu, thổi một cái giá đường xuống dốc không phanh dù sức mua vẫn khá dồi dào".

Giải thích nguyên nhân đường giảm giá, mỗi đại lý nói một kiểu. Người cho rằng lượng hàng đang rất dồi dào, số khác thì quả quyết do chính sách giảm thuế và cho phép nhập khẩu của Chính phủ. Chị Hải - chủ đại lý trên đường Lê Duẩn, Hà Nội - cho biết, thực hư lượng đường nhập khẩu lần này là bao nhiêu chị không rõ, chỉ biết giới kinh doanh kháo nhau, một khi Chính phủ vào cuộc giá sẽ dễ thở hơn.

Một chủ đại lý khác trên phố Bà Triệu, Hà Nội, cũng cho biết mấy ngày qua, lượng hàng khá dồi dào, bản thân người bán cảm thấy yên tâm với giá cả thị trường. "Cứ đà này, trong những ngày tới, người tiêu dùng sẽ không phải mua đường với giá cao", chị nhận xét.

Đường hạ nhiệt, người tiêu dùng tỏ rõ vui mừng vì gánh nặng chi tiêu được chia sẻ trong bối cảnh giá hàng hóa Tết ngày một đắt đỏ. Bản thân cơ quan quản lý Nhà nước cũng thừa nhận, chính sách điều hành linh hoạt của mình đã phát huy tác dụng.

Theo Phó vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu Bộ Thương mại Trương Xuân Quang, trước đây, Bộ từng nhiều lần cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu đường. Có thời điểm, số hàng lên tới hơn 200.000 tấn song vẫn không hạ được cơn sốt giá. Lần này, cơ quan liên bộ quyết định thay đổi đối tượng nhập khẩu. Thay vì các doanh nghiệp trong ngành đường trước đây, giờ trong danh sách chủ yếu là các công ty chuyên về xuất nhập khẩu ngoài ngành. "Quả nhiên chính sách mới đã phát huy tác dụng. Chỉ với 40.000 tấn đường và chưa có kg nào về đến VN thì giá đã giảm", ông Quang nói.

Trước những thông tin liên quan đến cơn sốt đường ở Thái Lan, ông Quang khẳng định, hàng không thiếu. Bản thân các doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu cũng cam kết đảm bảo đủ số lượng đăng ký.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN Lê Văn Tam lại cho rằng, đường hạ giá là do quy luật tất yếu của thị trường khi ngành đường bước vào vụ sản xuất mới. Hiện nay, 37 trong số 42 nhà máy đã bắt tay vào ép mía vụ mới, lượng hàng dự báo trong những ngày tới sẽ rất dồi dào, do vậy, giá sẽ tiếp tục giảm.

Ông Tam cho rằng, bản thân các nước đang thiếu đường trầm trọng nên các đơn vị được phép nhập khẩu khó lòng mà nhập kịp tiến độ trước ngày 20/1. "Chính phủ chưa thực sự bình tĩnh khi ra quyết định nhập khẩu", ông Tam nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN, những đơn vị nằm trong danh sách được phép nhập khẩu dường như chưa hiểu lắm về đặc trưng của ngành mía đường. Nếu không cẩn thận, họ sẽ bị cuốn vào "ma trận" và sẽ khó thoát khi giá đường giảm mạnh thời gian tới.

Trong số 6 đơn vị được phép nhập khẩu, phần lớn đã ký kết các hợp đồng với đối tác và hàng sẽ về VN trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, trước tình trạng giá đường tụt dốc, họ cũng bắt đầu cảm thấy "run".

Trao đổi với VnExpress, giám đốc một trong 6 doanh nghiệp nhập khẩu đường lần này tâm sự: "Giá cả đường bán ra trên thị trường đang ngày một xấu đi. Nhà sản xuất ồ ạt tung hàng ra thị trường vì sợ ế hàng. Trong khi đó, 2 tuần trước, khi đường tăng giá kỷ lục, nhà sản xuất đã có dấu hiệu ém hàng để đẩy giá càng cao hơn". Theo vị lãnh đạo này, nếu các nhà máy sản xuất đường bình tĩnh giữ giá và không tung hàng quá nhiều ra thị trường thì vẫn giữ được mức trên 10.000 đồng/kg. Như vậy, khi doanh nghiệp nhập 40.000 tấn đường tinh về VN vẫn không bị lỗ.

Một số đơn vị nhập khẩu khác cũng cho rằng, thị trường tiêu thụ vẫn diễn biến tốt, thậm chí một vài đại lý đã hết hàng và muốn có thêm hợp đồng trước khi đường nhập về VN. Tuy nhiên, do giá đường tăng giảm thất thường nên đến nay các công ty vẫn chưa dám ký hợp đồng với đại lý. "Đến thời điểm này, chúng tôi chưa công bố hàng về bao nhiêu vì sợ các đại lý ém hàng gây sốt giá", lãnh đạo một công ty nói.

Duy chỉ có Công ty xuất nhập khẩu Ngũ Cốc là mạnh dạn ký hợp đồng phân phối hầu hết số hàng nhập về với các đại lý. Theo Giám đốc Lê Hồng Thái, mức giá công ty bán cho đại lý được tính ở thời điểm hiện tại 10.200 đồng/kg. "Đó chỉ là mức giá tạm thời, khi hàng về đến VN nếu đường hạ giá công ty sẽ tính lại cho đại lý theo giá thị trường. Sau Tết, sức tiêu thụ đường tuy có giảm nhưng tôi tin chắc giá sẽ không dưới 10.000 đồng/kg", ông Thái khẳng định.

Danh sách các doanh nghiệp được phép nhập khẩu đường:

1/Công ty Cổ phần Sữa VN (Vinamilk): 2.000 tấn.
2/Công ty TNHH Hùng Thái: 5.000 tấn.
3/Công ty thực phẩm Công nghệ TP HCM: 7.500 tấn.
4/Công ty Thực phẩm Miền Bắc: 5.000 tấn.
5/Công ty Xuất nhập khẩu Ngũ Cốc: 12.500 tấn.
6Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng: 5.000 tấn.

Minh Khuyên - Nguyễn Thùy

Theo dòng sự kiện:
Chính thức cho phép nhập khẩu đường (04/01)
Thị trường đường hạ 'sốt' (04/01)
Cho phép nhập khẩu đường ăn để hạ cơn sốt giá (30/12/2005)
Loanh quanh chuyện nhập khẩu đường (17/08/2005)
Nhập khẩu đường để chế biến xuất khẩu (07/06/2005)
Xem tiếp»