Giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước
Các Website khác - 11/01/2006

Về chỉ số tự do kinh tế (IEF) - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành:

Giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước

Wall Street Journal và Heritage Foundation vừa công bố chỉ số tự do kinh tế (IEF - Index of Feconomics Freedom) năm 2005 của các nền kinh tế, trong đó VN tiếp tục tụt 5 hạng (đứng thứ 142/161 nền kinh tế được xem xét).

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc phỏng vấn ông Võ Trí Thành - Trưởng ban Ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) về sự thụt lùi này. Ông Thành nói:

Ông Võ Trí Thành.
- Cách xây dựng chỉ số IEF (dựa trên các yếu tố như chính sách thương mại, gánh nặng ngân sách, tiền tệ, ngân hàng tài chính, sự can thiệp của chính phủ...) ít nhiều phiến diện, vì vậy chúng ta cũng không cần phải quá lo ngại khi thấy theo đánh giá này chỉ số IEF của nền kinh tế VN là khá thấp. Nhưng mặt khác, chỉ số IEF công bố hàng năm cũng có một số ý nghĩa mà chúng ta vẫn cần phải tham khảo.

- Ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Thứ nhất, đây là những thông số được phổ biến rộng rãi mà các nhà đầu tư (đặc biệt là những nhà đầu tư mới, chưa biết nhiều về VN) sẽ cân nhắc khi quyết định có đầu tư vào VN hay không. Thứ hai, đây cũng là một kênh để chúng ta nhìn lại mình, tự kiểm tra, tự giám sát mình.

- Theo ông, vì sao chỉ số IEF của VN đã thấp, năm nay lại tiếp tục tụt hơn?

- Thấp cũng không lạ, bởi thể chế của nền kinh tế thị trường ở ta vẫn còn đang trên con đường hoàn thiện. Ta vẫn là một trong 10 nước có nạn tham nhũng nặng nhất thế giới. Tăng trưởng của ta cao, nhưng vẫn được dẫn dắt rất lớn bởi đầu tư nhà nước (trên 50%). Khả năng gia nhập thị trường của các DN VN thuận lợi, nhưng thủ tục rút khỏi thị trường (như phá sản, giải thể...) vẫn còn nhiều vấn đề... Tất cả những yếu tố này đều tác động tới chỉ số IEF.

Phiên đấu giá bán cổ phiếu Nhà máy
thiết bị bưu điện tại TT Giao dịch
chứng khoán HN.

- Đặc biệt, các nhà kinh tế nước ngoài vẫn cho rằng ở VN, Nhà nước can thiệp vào thị trường quá nhiều...

- Trong năm qua, vụ bê bối quota dệt may là một ví dụ rõ rệt cho thấy một khi các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp nhiều vào các vấn đề kinh tế có thể gây ra những hậu quả tai hại thế nào. Vụ xử lý tranh chấp thương mại giữa VNPT và Viettel cũng vậy, rất dễ làm nản lòng các nhà đầu tư, khiến họ không tin vào vai trò công minh của Nhà nước...

Muốn khắc phục tình trạng này, không còn cách nào khác là hãy để những quy luật của kinh tế thị trường tự do được phát triển hơn; quá trình mở cửa hội nhập phải được đẩy mạnh hơn; các chức năng của Nhà nước và bộ máy nhà nước cần tiếp tục thay đổi theo hướng bớt can thiệp.

Cải cách hành chính ở nước ta, theo tôi vẫn diễn ra quá chậm. Người ta vẫn hay nói về 2 cái yếu của hệ thống chính sách VN là tính minh bạch và tính công khai. Theo tôi, ngoài ra còn hai cái yếu nữa là tính giải trình được và sự tham gia thực sự có hiệu quả của người dân và các nhà kỹ trị.

Khi Nhà nước muốn ban hành một chính sách, một quy định, ví dụ quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy, những người làm chính sách phải giải trình được lý do của chính sách đó trước dân. Giải trình xong thì lại cần có sự phản biện từ phía dân và các nhà khoa học. Mà muốn làm tốt hai yếu tố này lại cần phải thực hiện tốt vấn đề dân chủ cơ sở.

Quang Phương thực hiện