Hàng FOB chiếm 50% trong tổng sản lượng hàng dệt may xuất khẩu của Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua quần áo tại Trung tâm Thời trang May Sài Gòn 3 Ảnh: H.THÚY |
Là một trong những ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, nhưng chủ yếu là gia công nên dệt may VN từ lâu vẫn trong tình trạng “có tiếng” mà không “có miếng”. Chính vì vậy, việc giảm tỉ lệ gia công hàng dệt may, tăng tỉ lệ hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) là xu hướng của nhiều doanh nghiệp (DN) những năm gần đây.
Bắt đầu bằng làm hàng FOB “giả”?
Cách đây 6 năm, Công ty May Sài Gòn 3 đã định hướng sẽ chuyển dần sang làm hàng FOB. Ban đầu chỉ 10%, sau tăng dần, đến nay, hàng FOB đã chiếm tới 50% trong tổng số lượng hàng xuất khẩu của May Sài Gòn 3. Đặc biệt, doanh thu của hàng FOB chiếm tới 75% tổng doanh thu của công ty vào năm 2005. Tất nhiên, lợi nhuận vì thế cao hơn. Ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, cho biết rất nhiều khách hàng đang đặt gia công tại Sài Gòn 3 muốn chuyển sang làm hàng FOB nhưng để tránh rủi ro, May Sài Gòn 3 vẫn duy trì thế “2 chân”, nghĩa là với những khách hàng mới, chưa đủ tin tưởng thì gia công; với khách hàng đã “hiểu nhau”, có uy tín làm hàng FOB.
Thông thường, làm hàng FOB, nhà sản xuất phải chủ động tìm nguyên liệu. Nhưng hiện nay các DN làm hàng FOB VN thường nhập nguyên liệu theo sự chỉ định của phía khách hàng. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM, gọi tình trạng này là “FOB giả” và cảnh báo, cách làm này rủi ro cao vì ta nhập nguyên liệu theo chỉ định của khách, nhưng nếu khách hàng bỏ hợp đồng thì ta “chết”. Nhưng ông Hồng lại cho rằng ở thời điểm hiện nay, việc nhập nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng là tốt nhất, giúp tránh được những rủi ro về chất lượng, màu sắc, chất liệu không đúng theo yêu cầu của đối tác.
Xu hướng làm hàng FOB tăng dần
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ có hiệu lực, Công ty Minh Châu (TPHCM) gần như chuyển hẳn sang làm hàng FOB. Hiện nay thị phần hàng FOB chiếm tới 97% trong tổng lượng hàng hóa của Minh Châu. Mặc dù kim ngạch chỉ 500.000 USD vào năm 2005, nhưng Minh Châu là một điển hình làm hàng “FOB thật”: Tự tìm nguồn nguyên phụ liệu cho các đơn hàng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Minh Châu, cho biết: Nguyên liệu chính của Minh Châu là vải thun, chủ yếu tìm trong nước nên chất lượng, màu sắc và cả số lượng rất bấp bênh vì không có nguồn tập trung. Cũng vì lý do này, Minh Châu đã 2 lần phải đền hợp đồng cho khách vì màu sắc và trọng lượng của hàng không đúng theo hợp đồng. “Hy vọng là khi trung tâm nguyên phụ liệu của ngành dệt may ra đời, những DN làm hàng FOB như chúng tôi mới bớt lo”- bà Châu nói.
Công ty Wec Sài Gòn lại áp dụng phương thức làm hàng FOB theo kiểu “cuốn chiếu”. Để may một cái quần hoặc áo, trước đây nguyên phụ liệu hoàn toàn nhập khẩu. Nhưng mỗi ngày, Wec tự kiếm nguyên liệu một ít như chỉ, dây kéo, ren, cườm, cúc... đến nay, khách hàng chỉ còn cung cấp vải chính, còn tất cả các phụ liệu khác Wec sẽ tự lo. Cách này tương đối an toàn và thích hợp với các công ty vừa và nhỏ.
Nguyên Hằng
▪ Hàng ngàn chai rượu ngoại giả trên thị trường (19/01/2006)
▪ Mua chè của đồng bào dân tộc thiểu số với giá ưu đãi (19/01/2006)
▪ EU không ngăn chặn xuất khẩu giày da của Việt Nam (19/01/2006)
▪ Vận hành dự án mở rộng trạm biến áp Suối Dầu (19/01/2006)
▪ Đà Nẵng được hưởng một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi (19/01/2006)
▪ Áp lực cung cầu vốn đẩy lãi suất ngân hàng tăng cao (19/01/2006)
▪ Thị trường ôtô VN năm 2005 giảm sút 13% (19/01/2006)
▪ Nếu trước cách nhau 20cm, giờ chỉ còn 2 (19/01/2006)
▪ Phấn đấu đạt 75.000 - 80.000 người lao động VN làm việc ở nước ngoài (19/01/2006)
▪ Netco muốn gia nhập thị trường chuyển phát thư (19/01/2006)