Gian thương rình rập tăng giá
Các Website khác - 01/10/2005
Tăng lương từ 1.10:
Gian thương rình rập tăng giá

Tại cuộc họp báo chiều 30.9, trả lời câu hỏi của báo giới về việc điều chỉnh lương có ảnh hưởng đến "tốc độ" tăng giá, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung khẳng định rằng, nếu cộng mức điều chỉnh lương trong 3 năm thì tốc độ tăng lương cao hơn tăng giá. Tuy nhiên trong thực tế, gian thương luôn rình rập để tăng giá theo lương. Người lao động có thêm một đồng, lại phải chi ra năm đồng vì trượt giá. Nên vẫn đề đặt ra là cần phải có những giải pháp tích cực để bình ổn giá cả thị trường.

Minh hoạ của Choai.
Rượt đuổi lương - giá

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Duy Đồng cho biết, việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2005 phải dựa trên 4 "căn cứ", đó là nhu cầu, giá tiền lương, tiền công thực tế trên thị trường, khả năng của nền kinh tế (ngân sách) và giá trượt. Sau khi cân đối thì việc điều chỉnh lương được tính trên sự trượt giá.

Ông Lê Duy Đồng đưa ra con số: Tính đến tháng 8.2005, chỉ số giá tăng 19,53%. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung bày tỏ mong muốn báo giới hãy tuyên truyền, giải thích và động viên cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu, người có công..., hãy chia sẻ với những khó khăn của đất nước, tạo đồng thuận trong xã hội mỗi khi Nhà nước điều chỉnh lương và trợ cấp.

Theo phân tích của ông Hoàng Minh Hào - Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐTBXH): Nếu theo phương pháp cận mức tăng trưởng kinh tế 3 năm (2003-2005), GDP giá so sánh tăng khoảng 25,4%, năng suất lao động xã hội tăng 27,4% thì mức lương tối thiểu cần được điều chỉnh lên là 400.000 đồng/tháng.

Theo chỉ số giá tiêu dùng (đến tháng 10 tăng 20% so với tháng 1.2003) thì mức lương tối thiểu chung là 350.000 đồng/tháng. Còn theo cung - cầu lao động, hiện cung vẫn lớn hơn cầu, nhưng có một số ngành nghề, khu vực có tốc độ phát triển cao đã làm tăng nhu cầu sử dụng lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề... làm tăng mặt bằng giá tiền công trên thị trường lao động.

Nếu theo Nghị định số 203 ngày 14.12.2004 của Chính phủ thì mức lương tối thiểu chung được xác định trong khoảng 350.000 đồng/tháng đến 650.000 đồng/tháng, vì còn phải tính đến việc bù trượt giá, tiếp tục cải thiện đời sống của người được hưởng lương, người nghỉ hưu và thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Tuy nhiên, mức tăng này cũng mới chỉ đáp ứng được một phần chi tiêu của người lao động.

Không một ai dám khẳng định rằng khi thực hiện lương tối thiểu, giá cả thị trường có biến động theo? Trong thời gian qua, khi lương tối thiểu chưa được điều chỉnh, mới chỉ "rục rịch" trong dư luận, thì tốc độ trượt giá trên thị trường đã khá lớn.

Không ai đổ hết tội tăng giá là do lương tăng, bởi nó còn ảnh hưởng nhiều yếu tố như giá cả nhiều mặt hàng quốc tế tăng, ngay cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng đều tăng, điều đó ảnh hưởng đến tăng chi tiêu gia đình của người lao động.

Dù sao thì việc điều chỉnh theo
hướng tăng lương cũng giúp cải thiện
một phần cuộc sống của người
hưởng lương.

Lo nhiều hơn mừng
Trước một ngày lương tối thiểu được điều chỉnh, phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn một số đối tượng nằm trong diện điều chỉnh lương. Điều ghi nhận chung đó là lo lắng nhiều hơn là mừng.

Theo chị Trần Bích Hà (tổ 40 phường Phương Liệt, Đống Đa, Hà Nội), lương của chị tăng được một thì chi đã tăng tới năm. Theo viện dẫn của chị, chỉ tính riêng học phí của hai con đang theo học của một trường dân lập (bán trú) thì chi phí tới gần một triệu đồng.

Các cán bộ hưu trí thì đa phần than phiền: "Nếu có đi chợ thì mới biết". Bà Nguyễn Thị Tuyên - H50 khu TT 128C Đại La (Hà Nội) cho rằng lương hưu trí được tăng 10%, nhưng giá cả thị trường có nhiều mặt hàng thực phẩm tăng tới 30% đến 40%.

Sẽ có gần 5 triệu người nằm trong diện được "tăng lương" do điều chỉnh. Nhưng theo nhận xét của ông Hoàng Minh Hào, tiền lương và giá cả thực tế vẫn luôn là cuộc "rượt đuổi" căng thẳng, nếu Chính phủ không có những giải pháp và bước đi đúng về bình ổn giá cả thị trường.

L.H