"Giấy phép con" phục vụ... tham nhũng! Công Thắng Tiếp theo hội thảo tại TPHCM, Hội thảo "Giấy phép kinh doanh tại VN: Thực trạng và giải pháp" do Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đã được tổ chức ngày 18.10 tại Hà Nội. Và câu chuyện "giấy phép con" vẫn là nỗi nhức nhối của DN và người dân.
Luật sư Trần Vũ Hải kể: "Tôi làm nghề luật sư chuyên nghiệp, có đủ bằng cấp chứng chỉ... nhưng muốn được hành nghề vẫn phải đi xin giấy phép bào chữa. Thậm chí có lúc phải "đi đêm" mới xin được loại giấy này". Các lĩnh vực khác cũng đang loạn giấy phép con. Để nhập khẩu (NK) điện thoại di động, Cty NK phải có giấy chứng nhận "Hợp chuẩn thiết bị viễn thông" do Cục Quản lý tiêu chuẩn bưu điện viễn thông và Công nghệ thông tin cấp. Còn trước khi đưa những chiếc điện thoại di động đó đem bán, DN này lại phải mua "tem chứng nhận hợp chuẩn". Ở lĩnh vực xây dựng, bất kỳ một xe vận chuyển bêtông trộn sẵn hoạt động tại các điểm xây dựng tại Hà Nội đều phải xin giấy phép lưu thông trong thành phố. Giấy phép này được cấp cho từng công trường xây dựng và chỉ có hiệu lực trong vòng một tháng, nên khi kết thúc công trình xây dựng, DN phải nhiều lần xin giấy phép. Để được hành nghề taxi, DN phải đáp ứng yêu cầu màu sơn taxi của hãng phải khác với màu sơn của các hãng taxi khác hiện có trên thị trường; để nhập khẩu da cho hoạt động sản xuất da giày, DN phải xin được giấy phép NK từ cơ quan... thú y. Rồi giấy phép nuôi chim cảnh, giấy phép được hành nghề đánh máy chữ... và ngoài áp lực phải chấp hành các quy định pháp luật, các DN còn chịu sự "đè nén" bởi muôn vàn loại giấy phép với những đòi hỏi... vô lối do các cơ quan cấp bộ, ngành, tỉnh, quận, huyện... đều có quyền ban hành. Theo luật sư Trần Vũ Hải: "Cấp giấy phép là sự cấm đoán, là hạn chế sự tự do của DN, bóp méo các ý tưởng kinh doanh. Giấy phép không phải để phục vụ cộng đồng, chỉ phục vụ cho tham nhũng và cơ quan cấp giấy phép". Nhưng luật gia Cao Bá Khoát lại cho rằng: "Việc bãi bỏ được "giấy phép con" vô cùng khó khăn, bởi sẽ đụng đến quyền lợi của những người cấp giấy phép". Ông Khoát chứng minh: Năm 2002, Tổ công tác thi hành Luật DN đề nghị bãi bỏ hơn 40 giấy phép. Nhưng tranh luận biết bao nhiêu cuộc họp mới thống nhất loại bỏ được vài cái. Ngay sau đó, những giấy phép bị loại lại biến tướng thành giấy phép con khác để tiếp tục "siết" DN. Luật gia Khoát còn cho biết: Ngoài giấy phép bằng văn bản, còn đang tồn tại thứ "lệnh miệng" - là một thứ giấy phép đang phổ biến và rất nguy hại cho DN bởi không có chứng cứ để xử lý được những người ban hành "lệnh miệng" làm khổ DN. Còn theo luật gia Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế VCCI: Ngoài giấy phép còn đang tồn tại mô hình "điều kiện kinh doanh" và vấn đề này cũng đang gây nhiều phiền hà cho xã hội và DN. Đây mới là phần chìm của "giấy phép con". Còn luật gia Cao Bá Khoát yêu cầu sớm chấm dứt việc cho các bộ, ngành, tỉnh, huyện... ban hành giấy phép. Nhưng theo tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa - Đại học Quốc gia Hà Nội: Xoá bỏ bao nhiêu giấy phép không quan trọng. Vấn đề xã hội đang quan tâm là giấy phép có cần hay không. Và khi giấy phép không còn có lợi cho xã hội thì việc xoá giấy phép phải là tất yếu và không thể chần chừ lâu hơn. |
▪ Trái phiếu Chính phủ chuẩn bị xuất ngoại (19/10/2005)
▪ Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (18/10/2005)
▪ Sẽ phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trong tháng 10.2005 (18/10/2005)
▪ Hội nghị Bộ trưởng viễn thông tiểu khu vực (18/10/2005)
▪ 7 mặt hàng bị cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu (18/10/2005)
▪ Xuất khẩu năm 2006 có thể đạt từ 36,5- 37,5 tỉ USD (18/10/2005)
▪ Chuyến bay đầu tiên của Thai AirAsia đến Nội Bài (18/10/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 18.10 (18/10/2005)
▪ Thành lập Trung tâm Giới thiệu việc làm tại KKT Dung Quất (18/10/2005)
▪ Loại đối thủ bằng đăng ký bảo hộ (18/10/2005)