Loại đối thủ bằng đăng ký bảo hộ
Các Website khác - 18/10/2005
Thủ đoạn mới trong kinh doanh:
Loại đối thủ bằng đăng ký bảo hộ
Công Thắng


Để chiếm lĩnh thị trường sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu (XK), Cty cổ phần giấy Hải Phòng (Hapaco) đã lợi dụng chính sách nhà nước để triệt hạ đối thủ.

Minh hoạ của Choai.
"Bóp" đối thủ cạnh tranh

Sự việc bắt đầu từ chuyện Hapaco khởi kiện Cty TNHH quốc tế Vĩnh Sinh Hải Phòng và Cty TNHH Ngọc Bích (đầu năm 2005) về hành vi sản xuất hàng giả.

Để chứng minh, Hapaco đưa ra bằng chứng 2 DN này sản xuất sản phẩm giấy vàng mã XK cho khách hàng Đài Loan, là mặt hàng Hapaco được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Lập tức lực lượng quản lý thị trường và Công an Hải Phòng đã buộc các DN này đình chỉ sản xuất; tiêu huỷ các sản phẩm làm giả...

Sự việc buộc 20 DN ở các tỉnh phía bắc đang cùng gia công mặt hàng giấy vàng mã XK 100% sang Đài Loan phải kiến nghị tới Cục SHTT, phản đối việc cơ quan này cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá sai trái cho Hapaco.

Theo các DN, phía Đài Loan đã và đang thuê các DN Việt Nam gia công từ năm 1989 đến nay, chứ không phải mặt hàng giấy vàng mã do Hapaco nghiên cứu, sáng chế để tiêu thụ vào thị trường Đài Loan. Do đó không được coi đây là nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ.

Theo quy định tại điểm b2 Điều 6 NĐ63/CP ngày 24.10.1996: "Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá thuộc bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến" thì không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu hàng hoá.

Nhưng Cục SHTT vẫn làm điều này nên đã đẩy 20 DN đang cùng gia công mặt hàng với Hapaco vào hành vi "sản xuất hàng giả", vi phạm pháp luật.

Điều này sẽ khiến 4.360 lao động của các DN này mất việc làm, đẩy hàng vạn lao động đang gia công và cung cấp nguyên liệu cho các DN này bị ảnh hưởng.

"Kẽ hở" bị lợi dụng
Để gia công giấy vàng mã cho Đài Loan, các DN phía VN chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn của đối tác nước ngoài rồi đóng gói XK. Còn phía Đài Loan có trách nhiệm cung cấp máy móc thiết bị gia công, phụ liệu in, khuôn mẫu in, nguyên liệu giấy mà họ đặt hàng tại VN theo tiêu chuẩn riêng... nhận tiêu thụ toàn bộ sản phẩm, trách nhiệm về nhãn mác hàng hoá, tên gọi xuất xứ và bản quyền của các nhãn mác. Đặc biệt, loại hàng nêu trên chỉ phù hợp cho riêng người Đài Loan và chỉ được sử dụng ở Đài Loan.

Về việc cấp giấy bảo hộ cho Hapaco, ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại Cục SHTT - thừa nhận: "Duy nhất chỉ có một mình Hapaco nộp đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá mặt hàng vàng mã XK sang Đài Loan.

Sau khi làm đầy đủ các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định, Cục SHTT buộc phải cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu mặt hàng vàng mã cho Hapaco". Cũng có nghĩa: Có đơn xin là được cấp bằng độc quyền, nếu chưa có ai đăng ký(?). Và các DN khác muốn tồn tại chỉ còn cách làm thuê cho Hapaco.

Nói về phản ứng của các DN đối với quyết định bảo hộ cho Hapaco, ông Hồng cho biết: Ngay sau khi xảy ra việc cưỡng chế Cty TNHH quốc tế Vĩnh Sinh, một số cơ quan chức năng ở Hải Phòng đã phản ánh với Cục SHTT.

Để xử lý vụ này, nếu có văn bản kiến nghị của các DN, họ chứng minh được đây chỉ là hàng gia công cho nước ngoài, nhiều DN cùng nhận được hợp đồng gia công tương tự Hapaco... thì vẫn có thể huỷ quyết định bảo hộ cấp cho Hapaco.

Không lẽ Cục SHTT cứ cấp bằng độc quyền như vậy để đến khi có khiếu kiện mới xem xét tiêu huỷ? Nếu vậy, hậu quả bị cưỡng chế như Cty TNHH quốc tế Vĩnh Sinh, ai chịu trách nhiệm?