Gỗ nội thất có nguy cơ bị kiện bán phá giá
Các Website khác - 24/11/2005

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) Trần Quốc Mạnh, sản phẩm gỗ VN đang trong tầm ngắm kiện bán phá giá, nhất là mặt hàng gỗ nội thất dùng trong phòng ngủ xuất sang Mỹ, vì kim ngạch xuất khẩu đang tăng mạnh.

Đồ gỗ nội thất trong phòng ngủ của VN đang trong tầm ngắm kiện bán phá giá. Ảnh. T.V.

Ông Mạnh cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ VN đang tăng trưởng rất mạnh, song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ sẽ bị kiện chống phá giá. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan VN, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt tới 1,2 tỷ USD, tăng 46,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mỹ đã đạt tới 407 triệu USD, tăng trên 100% so với năm 2004. Đặt biệt, mặt hàng gỗ nội thất dùng trong phòng ngủ có mức tăng trưởng rất cao. Kim ngạch xuất sang Mỹ 9 tháng chiếm 22,3 triệu USD trong tổng số gần 29 triệu USD xuất sang các nước. Trước đây Mỹ là thị trường có kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ thấp nhất đối với doanh nghiệp VN.

Số liệu thống kê do phía Mỹ công bố mới đáng lo ngại. Theo thống kê của hải quan Mỹ, trong 9 tháng đầu năm, đồ gỗ nội thất dùng trong phòng ngủ của VN nhập vào thị trường này tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2004. Còn Ủy ban Thương mại Mỹ (ITC) thì cho rằng, gỗ nội thất của VN đã chiếm 4,2% thị phần tiêu dùng ở Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2005 và dự kiến sẽ chiếm 6% vào thời gian tới.

Theo ông Mạnh, hiện nay các nhà sản xuất đồ gỗ từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á có xu hướng chuyển dịch về châu Á nhiều hơn, trong đó có VN. Khách hàng chú ý đến sản phẩm gỗ VN vì giá nhân công rẻ và thuế xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ còn thấp. Đặc biệt, sản phẩm gỗ nội thất trong phòng ngủ đang có vị trí cao đối với người tiêu dùng Mỹ. Điều này đã làm kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của VN tiếp tục tăng cao. "Với những lý do này chúng ta không thể không tính đến khả năng có thể mặt hàng gỗ sẽ bị kiện chống bán phá giá, nhất là sản phẩm nội thất. Thực tế, phía Mỹ cũng đã từng áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm này của Trung Quốc. Vì thế, việc tìm các giải pháp tháo gỡ và chuẩn bị tốt để đối phó là không thừa, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gỗ vào Mỹ", ông Mạnh cảnh báo.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Quản lý cạnh tranh - Bộ Thương mại cho rằng, cách tốt nhất mà doanh nghiệp cần làm là phải đảm bảo được sự phát triển bền vững, theo kịp trình độ và tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhà sản xuất cần tích cực phòng chống kiện bán phá giá bằng cách đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Cụ thể như thị trường Mỹ, các sản phẩm gỗ nội thất phải cần có sự kiểm soát nghiêm ngặt trước khi xuất hàng, đồng thời luôn cải tiến mẫu mã. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ để nghiên cứu những vấn đề liên quan đến kiện bán phá giá.

Còn theo ông Mạnh, các doanh nghiệp sản xuất gỗ cần có chiến lược lâu dài cho sản phẩm. Sổ sách kế toán, kiểm toán phải minh bạch, cụ thể. Đặc biệt, doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan Nhà nước về kiện bán phá giá và các công ty tư vấn luật.

Nguyễn Thùy