Nếu như hệ thống rau quả ở Mỹ có sự điều phối theo ngành dọc với sự kết hợp nhuần nhuyễn từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu ngay từ những năm 80 thì ở VN, hệ thống phân phối rau quả hiện vẫn rất manh mún và tự phát.
Bưởi năm roi - một loại trái cây ngon của VN. |
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Thương mại, nông dân VN chủ yếu sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ và không theo một chuẩn mực nào. Chẳng hạn, thấy vải được mùa là nông dân thi nhau trồng vải, nếu dưa hấu được mùa thì cả vùng "rủ nhau" chuyển sang trồng dưa mà không chú ý xem thị trường sẽ diễn biến như thế nào.
Hệ thống phân phối rau quả VN bị đánh giá là manh mún và tự phát. Thông thường, nông dân sau khi thu hoạch rau quả xong, sẽ có một lực lượng rất đông các thương lái tới thu gom. Thương lái bán cho các nhà bán buôn và những người này chuyển lại cho các hộ bán lẻ để phân phối trực tiếp cho người tiêu dùng.
Việc vận chuyển rau quả cũng rất tuỳ tiện và cẩu thả. Đa số sản phẩm rau quả của VN được vận chuyển trên những phương tiện kém chất lượng như xe máy cũ, xe thồ... Thậm chí có những chuyến xe, chủ hàng tìm mọi cách để chất được càng nhiều càng tốt, bất chấp chất lượng hàng hoá bị ảnh hưởng ra sao.
Bà Lê Thị Minh Trang, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Công ty Metro Cash & Carry VN nhận xét, với thực tế như trên thì hệ thống phân phối rau quả của VN hoạt động theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Phần lớn thành viên trong hệ thống đều thiếu những kiến thức cơ bản về kinh doanh hiện đại. Tất cả những điều đó dẫn đến chi phí tăng cao, chất lượng giảm và hao hụt tăng lên. Theo tính toán của các nhà khoa học, từ lúc nông dân thu hoạch cho tới khi hàng hoá đến tay người tiêu dùng, tổng hao hụt ước tính lên tới 10-50% khối lượng sản phẩm.
Hao hụt này cũng đã ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của rau quả VN. Theo số liệu của Hiệp hội Trái cây VN, kim ngạch xuất khẩu trái cây đã giảm mạnh trong vòng 4 năm qua, từ gần 330 triệu USD vào năm 2001 xuống còn hơn 178 triệu USD vào năm 2004, và còn có thể tiếp tục giảm trong năm nay.
Với vị trí địa lý thuận lợi và khí hậu nhiệt đới, VN được đánh giá là có lợi thế về rau quả. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Nam, thế mạnh này hiện mới chỉ ở dạng tiềm năng. Những hoa quả truyền thống thì lỗi thời, quả có múi như bưởi, cam thì nhiều hạt và chất lượng không đồng đều.
Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi năm roi, nhãn lồng Hưng Yên... đều là những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của VN, có chất lượng thơm ngon và được nhiều người ưa chuộng, là một lợi thế cạnh tranh rất lớn. Thế nhưng diện tích và sản lượng của các loại trái cây ngon VN hiện nay rất nhỏ, hầu hết các loại đặc sản nêu trên đều có diện tích chưa tới 1.000 ha. Khả năng cung cấp cho thị trường của những loại trái cây này rất hạn chế, không đủ đáp ứng ngay cả thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư đang xây dựng một chương trình thành lập chuỗi giá trị cho mặt hàng rau quả của VN từ nay đến năm 2009. Theo đó, chuỗi giá trị sẽ tăng cường các mối quan hệ hợp tác trong hệ thống, và có sự phân công rõ ràng từ khâu sản xuất đến lưu thông. Người đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi giá trị này, theo ông Nam, sẽ chính là các doanh nghiệp, bởi họ mới là người nắm rõ nhất thị trường đang "khát" mặt hàng gì để tập trung phát triển. Doanh nghiệp cũng là người có thể mời các nhà khoa học vào nghiên cứu, và vay tiền của ngân hàng một cách thuận lợi hơn.
"Tôi đã đi nghiên cứu gạo Thái Lan, chuỗi giá trị của gạo Thái Lan chỉ có 3 khâu là nông dân, nhà máy chế biến gạo và người xuất khẩu. Trong đó, nhà máy chế biến giữ vai trò chủ đạo trong chuỗi giá trị này và họ hoạt động rất có hiệu quả", ông Nam dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp của VCCI, thành lập được một chuỗi giá trị như trên không phải dễ dàng, bởi nó đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ nông dân, doanh nghiệp, đến các nhà khoa học, những nhà phân phối.
Hà Vy
▪ Giá dầu tăng hơn 4 USD do lo ngại cơn bão dữ (20/09/2005)
▪ Viettel Mobile mở đợt khuyến mãi quy mô lớn (20/09/2005)
▪ TPHCM: 1.920 tỉ đồng xây dựng trung tâm thương mại quốc tế (20/09/2005)
▪ Bột ngọt "tố" bột nêm (20/09/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 20.9 (20/09/2005)
▪ Thưởng xuất khẩu 2004: Nên dành cho người lao động (20/09/2005)
▪ Không còn cảnh hạ giá tràn lan (20/09/2005)
▪ 217 tỉ đồng nằm... "phơi nắng" (20/09/2005)
▪ Bộ Tài chính đối thoại với DN: Khoảng cách quá lớn (20/09/2005)
▪ Cuộc cách mạng 6 giây (20/09/2005)