Không cứng nhắc trong việc cấm bán nhà trên giấy
Các Website khác - 01/03/2006

Quy định chủ đầu tư chỉ huy động vốn tối đa 70% giá trị hợp đồng bán nhà trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang vấp phải phản đối gay gắt của doanh nghiệp. Trả lời phỏng vấn VnExpress, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga cũng cho rằng nên để doanh nghiệp tự thoả thuận với người mua nhà.

Thứ trưởng Tống Văn Nga: "Người mua nhà sẽ quyết định". Ảnh: V.P.
- Để giữ chắc chắn suất mua, có khách hàng tự nguyện nộp 100%, theo Thứ trưởng họ có phạm luật?

- Quy định về huy động vốn trong lĩnh vực bất động sản không nên cứng nhắc theo một tỷ lệ nhất định mà dựa vào thỏa thuận giữa các bên là chính. Nếu áp chỉ được thu 70%, họ có thể nộp ngầm, lại sinh ra rắc rối.

Người mua nhà sẽ quyết định vì nếu dự án hiệu quả họ sẵn sàng chồng tiền cả 100% để giữ nhà, nếu không hiệu quả chỉ vài chục phần trăm họ cũng không mua. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp.

- Dự thảo luật Kinh doanh bất động sản chủ trương yêu cầu các chủ đầu tư gửi số vốn huy động được vào ngân hàng và trả lãi cho người dân nếu chậm tiến độ, cá nhân ông thấy sao?

- Yêu cầu chủ đầu tư và khách hàng thỏa thuận gửi số vốn ứng trước vào một ngân hàng để quản lý sử dụng chỉ là một ý, cá nhân tôi cũng không đồng tình vì làm vậy doanh nghiệp khó có thể quay vòng vốn.

Riêng các công trình chậm tiến độ, giao nhà muộn so với hợp đồng nên buộc chủ đầu tư phải trả lãi cho người dân.

- Hiện mua bán trao tay phổ biến, giá nhà từ chủ đầu tiên đến chủ cuối cùng chênh tới vài trăm triệu đồng. Nếu trả lãi, chủ đầu tư trả như thế nào?

- Vì lộn xộn như vậy nên dự thảo quy định muốn giao dịch phải qua sàn, qua người thứ ba để kiểm soát chứ không được bán trao tay. Yêu cầu giao dịch qua sàn còn nhằm bảo vệ cả người bán, người mua và không thất thu thuế.

Tất nhiên ở giai đoạn đầu khi luật mới ra đời, thay đổi một thói quen giao dịch rất khó nhưng tôi tin dần dần sẽ khắc phục được.

- Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư được huy động vốn sau khi đã xong móng, Luật Kinh doanh bất động sản lại ghi chỉ cần xong hạ tầng. Vậy chủ đầu tư biết theo luật nào?

- Quan điểm của Bộ là dự án phải xong móng mới được huy động vốn. Nếu luật quy định khác, qua góp ý ban soạn thảo phát hiện cái gì chưa khớp thì điều chỉnh. Mục tiêu cao nhất là kiểm soát được giao dịch bất động sản, hạn chế giao dịch ngầm.

- Dự luật cũng đề cập thu nhập từ chuyển quyền sử dụng nhà đất sẽ bị đánh thuế. Theo Thứ trưởng, tỷ lệ bao nhiêu là phù hợp?

- Trước có ý kiến đánh thuế 28% song theo tôi cần tính thế nào đấy để người dân có khả năng mua được nhà, Nhà nước cũng thu được thuế chứ cao quá lại sinh ra giao dịch ngầm. Vấn đề này có thể được đề cập đến rõ hơn ở nghị định hướng dẫn của Chính phủ chứ luật không nói rõ. Các bộ có liên quan sẽ ngồi lại bàn để có mức cân đối.

- Phát triển thị trường bất động sản là một trong những yêu cầu đặt ra trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10. Vậy tới đây sẽ có thêm những quy định nào ngoài các văn bản liên quan đến thị trường nhà đất?

- Thực ra thị trường bất động sản lâu nay giao cho nhiều bộ quản lý, mãi đến 2004 mới giao cho Bộ Xây dựng. Tuy thị trường rất rộng không chỉ có mỗi nhà đất, song Bộ thấy vấn đề nhà ở bức xúc nên tập trung giải quyết trước, nếu tốt sẽ từ đó nhân rộng ra.

Ngay từ Đại hội Đảng lần 9 đã giao cho Ban Kinh tế trung ương và các bộ ngành đưa ra các quy định phát triển thị trường bất động sản. Dự thảo văn kiện lần này là một bước cụ thể hóa làm cơ sở để luật dễ dàng đi vào cuộc sống hơn.

Phong Lan thực hiện