Kinh tế TP HCM dễ bị tác động bởi thị trường thế giới
Các Website khác - 11/10/2005

Theo phân tích của Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM Trần Du Lịch, tại buổi làm việc với HĐND thành phố, sáng nay, kinh tế địa bàn hiện chủ yếu dựa vào gia tăng đầu tư, sản xuất gia công lắp ráp với phần lớn thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu, nên sẽ bị ảnh hưởng nếu thị trường thế giới biến động.

Tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố giai đoạn 2001-2005 đạt bình quân 11% một năm, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, theo ông Lịch, sự tăng trưởng trên mới ở chiều rộng. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất ngày càng giảm, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến. Nếu năm 1995, tỷ lệ giá trị gia tăng ngành công nghiệp so với giá trị sản xuất trên địa bàn đạt khoảng 40% thì 2005, chỉ được chừng 30%. Tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm so với GDP trên địa bàn thấp so với khả năng và yêu cầu phát triển và mức bình quân cả nước.

Môi trường kinh doanh và đầu tư của TP HCM còn bất cập so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố kém hơn so với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chất lượng lao động và tiềm năng nghiên cứu khoa học phục vụ kinh tế - xã hội chưa được phát huy, chưa tạo ra lợi thế về thông tin kinh tế cho doanh nghiệp. Nguồn lực lao động có trình độ cao đẳng trở lên trên địa bàn chiếm khoảng 30% cả nước nhưng đóng góp chưa tới 10%. Kinh tế tư nhân còn bị phân biệt đối xử trên nhiều mặt, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Ông Lịch phản ánh thêm, hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa thực sự thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh, quy hoạch và quản lý đô thị còn nhiều yếu kém. Trong đó, phần lớn chương trình và công trình trọng điểm đề ra cho giai đoạn 2001-2005 chưa hoàn thành. Nhiều công trình mới bắt đầu xây dựng như: đại lộ Đông Tây, công trình chống ngập và thoát nước đô thị...

Hàng hoá xuất khẩu của thành phố kém sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tỷ lệ hàng công nghiệp chế biến tinh trong cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn thấp, hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng gia công, lắp ráp giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào thành phố 5 năm vừa qua không đạt mục tiêu đề ra. Môi trường đầu tư được cải thiện nhưng tốc độ còn chậm so với các địa phương lân cận và thủ tục còn phức tạp, kéo dài, hạn chế sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

"Giai đoạn tới, nếu kết nối với kinh tế thế giới thì TP HCM có thị trường rộng mở nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức vì sân chơi bình đẳng", ông Lịch nói, "Thành phố cần ưu tiên phát huy lợi thế về chất lượng nhân lực. Sự ổn định về an ninh, an toàn chính trị - xã hội cũng là nhân tố quan trọng để thu hút đầu tư, vì rất ít nơi trên thế giới có được sự ổn định này".

Giai đoạn 2006-2010, để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, TP HCM sẽ chú trọng phát triển kinh tế mạnh về chiều sâu và phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12% một năm. Về cơ bản trên địa bàn không còn hộ thu nhập dưới 6 triệu đồng một người mỗi năm, trung bình 10.000 người dân sẽ có một bác sĩ và 40 giường bệnh. Bình quân mỗi năm thành phố sẽ xây mới khoảng 5 triệu m2 nhà ở, trung bình một người dân được 14 m2.

Thanh Lương