Việt Nam cần thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia
Các Website khác - 11/10/2005
Việt Nam cần thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia

Các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài. Để tranh thủ nguồn lực này cho tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải cải thiện rất nhiều về môi trường đầu tư.

Sản xuất máy tính xuất khẩu.
Chưa sẵn sàng
Báo cáo đầu tư thế giới năm 2005 do Diễn đàn về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD) thực hiện đã được công bố tại Hà Nội ngày 10.10. Chuyên gia kinh tế trưởng Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Jonathan Pincus nhận xét: Xu hướng FDI vào VN gần đây khá tốt, nhiều công ty xuyên quốc gia tỏ ra lạc quan khi đầu tư vào VN. So với tổng vốn FDI năm 2003 là 1,45 tỉ USD, con số này năm 2004 là 1,6 tỉ USD.

Nhưng so với các nước và lãnh thổ trong khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore..., khả năng cải thiện môi trường đầu tư của VN còn chậm.

Ông Pincus dẫn lời một giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của một công ty lớn của Mỹ nói rằng, ông luôn luôn nghĩ đến việc đầu tư vào VN, nhưng VN chưa sẵn sàng tiếp nhận các khoản đầu tư lớn, mặc dù tiềm năng của VN có thể thu hút tới 5 đến 6 tỉ USD mỗi năm.

Ông Pincus cho rằng Chính phủ VN cần tích cực hơn trong việc thúc đẩy hình ảnh của nước mình là một nơi hấp dẫn về đầu tư. Các nước như Singapore, Thái Lan, New Zealand, Ireland... đều có một uỷ ban thu hút đầu tư, quảng cáo hình ảnh nước mình, tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với các tập đoàn lớn của nước ngoài để lắng nghe các yêu cầu cụ thể về cấp phép, sử đụng đất đai, đào tạo lao động...

VN đã có một số biện pháp thu hút đầu tư nhưng còn rời rạc, không được điều phối tốt. Ireland chỉ là một nước nhỏ ở Châu Âu nhưng đã có những tiến bộ ngoạn mục, sau khi uỷ ban thu hút đầu tư của nước này phỏng vấn 700 tập đoàn, công ty lớn trên thế giới về các điều kiện thu hút đầu tư.

Trước ngưỡng cửa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), VN có thể thu hút FDI nhiều nhất vào các lĩnh vực có thế mạnh như khai thác quặng, dầu khí, hoặc lĩnh vực có thể có thị phần cao trong nước như hàng tiêu dùng, hoặc lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu.

Thu hút nghiên cứu và phát triển
Chủ đề chính của báo cáo đầu tư thế giới năm nay là các hoạt động nghiên cứu và phát triển (NCPT) của các tập đoàn xuyên quốc gia. NCPT để đổi mới công nghệ sẽ góp phần vào việc gia tăng FDI và tăng trưởng kinh tế của một đất nước.

Xét theo chỉ số năng lực phát minh UNCTAD, VN chỉ xếp thứ 84 trên thế giới năm 2004, không cải thiện mấy so với xếp hạng 93 của 10 năm trước đây và tụt hậu so với rất nhiều nước. Chỉ số phát minh UNCTAD là một thước đo cho biết các nước tích cực như thế nào trong hoạt động NCPT, chỉ số này được tổng hợp dựa trên các yếu tố như có bao nhiêu người lao động làm việc trong lĩnh vực NCPT, bao nhiêu bằng phát minh sở hữu, bao nhiêu người học đại học...

Xu hướng trên thế giới hiện nay cho thấy, các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư nhiều hơn vào NCPT ở các nền kinh tế đang nổi lên, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Singapore, làm lợi rất nhiều cho các nền kinh tế này và các công ty trong nước. Chỉ rất ít tập đoàn xuyên quốc gia muốn đầu tư cho NCPT ở VN, trong khi đó, Thái Lan được chọn làm trung tâm NCPT thứ tư ở nước ngoài của Toyota, hơn 100 công ty xuyên quốc gia đã lập phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Singapore.

Vĩnh Nguyên