Lãi suất tăng cao gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn |
Quyết định đưa lãi suất huy động tiền đồng lên kịch trần cho phép của Vietcombank hôm nay, chỉ 4 ngày sau khi thỏa thuận kìm lãi suất chính thức có hiệu lực, được dự báo sẽ tiếp tục đốt nóng thị trường tiền tệ. Cứ với đà này, nhiều khả năng, đến cuối năm, mặt bằng lãi tiền gửi VND 1 năm sẽ đạt gần 10%.
Kể từ hôm nay, lãi suất huy động bằng tiền đồng (VND) kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng ở Hà Nội và TP HCM sẽ đồng loạt tăng từ 0,24 đến 0,6 điểm phần trăm/năm, trong đó kỳ hạn 24 tháng tăng mạnh nhất.
Như vậy, Vietcombank Hà Nội và TP HCM đều đã tận dụng hết mức trần cho phép ở kỳ hạn 6 tháng và 1 năm. Lãi suất với hai kỳ hạn này lần lượt là 7,8% và 8,4%, vừa vặn bằng mức cao nhất quy định trong thỏa thuận kiềm chế lãi suất giữa các ngân hàng thương mại quốc doanh với Hiệp hội Ngân hàng, có hiệu lực hôm 15/9.
Lý giải về quyết định trên, Tổng giám đốc Vũ Viết Ngoạn cho rằng, thực ra Vietcombank còn "chậm chân" hơn nhiều ngân hàng khác. "Mặt bằng lãi suất trên thị trường đã được đẩy lên cao từ lâu rồi, có ngân hàng đã áp dụng mức trên 8,4%, thậm chí 9%/năm. Vietcombank không thể lúc nào cũng kìm lãi suất ở mức thấp".
Tuyên bố tăng lãi suất là căn cứ trên cung cầu vốn của thị trường, song ông Ngoạn cũng không giấu nổi nỗi lo mất khách hàng khi các đối thủ đua nhau nâng lãi suất. Huy động vốn từ đầu năm tới nay chỉ đạt 6-7%, mức độ tăng chậm chạp này buộc Vietcombank tính chuyện kiềm chế tăng trưởng tín dụng. Theo ông, cứ với đà này, cả năm nay, huy động vốn của Vietcombank chỉ tăng 10% và tín dụng cũng chỉ tăng 13% là cùng.
Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc tại sao đưa ra quyết định tăng lãi suất vào thời điểm thỏa thuận chung mới có hiệu lực vài ngày, ông Ngoạn thừa nhận: "Trần lãi suất đưa ra chỉ như một tín hiệu cho thấy ý chí của các ngân hàng quốc doanh là cố gắng kiềm chế tốc độ tăng. Nhưng thực ra, mặt bằng chung trên thị trường đã tăng cao hơn thế từ lâu rồi".
Lâu nay, mỗi bước đi của Vietcombank đều được các đối thủ khác, đặc biệt là nhà băng cổ phần theo dõi sát sao, lấy đó là căn cứ tính toán lãi suất cho đơn vị mình. Tuy nhiên, ông Ngoạn không tin khối ngân hàng cổ phần sẽ ồ ạt tăng lãi suất ngay sau động thái sáng nay của Vietcombank. "Các ngân hàng cổ phần rất năng động. Họ từ lâu đã hiểu rằng Vietcombank phải kiềm chế lãi suất ở mức cực chẳng đã" - ông nói.
Từng bị mang tiếng là "kẻ phá bĩnh", "người đi tiên phong" trong việc bất tuân thỏa thuận chung, nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank - tỏ ra không mấy thích thú với những danh hiệu đó. Tuy nhiên, chính sách lãi suất nhất quán và linh hoạt theo kiểu "tùy chi nhánh quyết định sao cho đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng khác trên cùng địa bàn" vẫn gây không ít khó chịu cho các đồng nghiệp quốc doanh và cả "các đàn em" cổ phần. Huy động vốn của Agribank hiện chỉ tăng 7%, trong khi tín dụng tăng 6,6% so với cùng kỳ. "Huy động được bao nhiêu, chúng tôi cho vay bấy nhiêu, chứ không tăng trưởng tín dụng ồ ạt để dẫn tới tình trạng thiếu vốn trầm trọng", một cán bộ nguồn vốn của Agribank nói.
Khối ngân hàng cổ phần không mấy ngạc nhiên về việc Vietcombank tăng lãi suất. Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Các doanh nghiệp Ngoài quốc doanh (VPBank) Lê Đắc Sơn cho rằng, việc các ngân hàng thương mại nhà nước phải tăng lãi suất để tận dụng mức trần trong thỏa thuận là chuyện dễ hiểu. "Sẽ đúng nghĩa của một thỏa thuận nếu các ngân hàng cam kết và cùng thực hiện ghìm lãi suất ở mức thấp hơn, hoặc chí ít là bằng. Nhưng đây, họ lại thỏa thuận đưa lãi suất cao hơn mức đã cam kết trước đây. Tất nhiên, thỏa thuận vừa qua cũng cho thấy đã đến lúc để lãi suất được đẩy lên ngang với mặt bằng chung của thị trường", ông Sơn phân tích.
Theo thỏa thuận có hiệu lực từ 15/9, các ngân hàng cổ phần được áp dụng mức lãi suất cao hơn không quá 0,03 điểm phần trăm/tháng (tức 0,36%/năm) so với mức trần cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại Nhà nước. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng hầu như không có ngân hàng cổ phần nào tuân theo cam kết này mà vẫn điều tiết lãi suất dựa trên cung cầu, miễn là có lãi. Sau năm lần bảy lượt điều chỉnh dưới nhiều hình thức khác nhau, nay lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng của VPBank đã vượt qua ngưỡng 9%/năm. Nhờ vậy, nguồn vốn huy động của nhà băng này tăng đột biến, đạt 4.400 tỷ đồng (tính đến thời điểm 13/9), tăng 80 tỷ đồng so với 25/8, thời điểm tăng lãi suất gần đây nhất. Tính chung từ đầu năm tới nay, tăng trưởng huy động vốn của VPBank đã đạt 40-50%, cao gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng.
Người đứng đầu VPBank không tiết lộ kế hoạch lãi suất sắp tới của đơn vị mình song theo ông, cứ với đà đói vốn chung như hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại trong nước sẽ bị đẩy lên 9,5-9,6%, thậm chí không loại trừ khả năng chạm ngưỡng 10%/năm.
Trên thực tế, có quá nhiều áp lực buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động VND. Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn chưa từ bỏ kế hoạch nâng lãi suất USD theo lộ trình để kiểm soát lạm phát. Trong nước, chỉ số giá tiêu dùng vẫn như con ngựa đứt cương và hoàn toàn không thể kìm giữ ở mức mục tiêu cả năm là 6,5%, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xăng dầu và nhiều nguyên liệu đầu vào khác liên tục bất ổn. Trong khi đó, nền kinh tế đang vô cùng khát vốn để tăng trưởng. Ngay trong kế hoạch phát triển bền vững ngành ngân hàng năm 2006, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra kế hoạch tăng trưởng bình quân huy động vốn đạt 20-22% để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dụng dưới 25%.
Đằng sau mỗi cuộc đua tăng lãi suất huy động là niềm phấn khởi của người gửi tiền, song lại chồng chất thêm gánh nặng đối với khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vốn phải lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Tổng giám đốc Vietcombank Vũ Viết Ngoạn không giấu giếm khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay khi tuyên bố: "Nước lên thì thuyền cũng phải lên". Còn Tổng giám đốc VPBank Lê Đắc Sơn thì tính toán: "Trong trường hợp lãi suất huy động lên trên 9,5%/năm, lãi suất cho vay có thể đạt 13-14%. Về nguyên tắc, lãi suất cho vay phải lớn hơn lãi suất huy động tối thiểu khoảng 2 điểm phần trăm/năm, mới đảm bảo cho ngân hàng hoạt động".
Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng bị "làm khó" khi các ngân hàng thương mại bất tuân "chỉ đạo". Bởi Ngân hàng Nhà nước đang phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau trong ngắn hạn như đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống ngân hàng. Mặt khác, theo như thừa nhận của cơ quan này, hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ cũng như việc điều tiết lãi suất thông qua các công cụ gián tiếp còn hạn chế. Vì vậy mới có chuyện mặt bằng lãi suất cho vay bị đẩy lên 12%/năm từ lâu lắm rồi mà lãi suất cơ bản của đồng VND vẫn ì ạch ở mức 7,8%/năm.
Trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới (áp dụng từ 15/9/2005) - Kỳ hạn 6 tháng: 0,65%/tháng (tương đương 7,8%/năm). - Kỳ hạn 12 tháng: 0,7%/tháng (tương đương 8,4%/năm) (Các ngân hàng thương mại cổ phần được áp dụng mức lãi suất cao hơn nhưng không quá 0,03%/tháng so với mức trần cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước). |
Song Linh
▪ Tăng lương từ 1.10: Chia sẻ áp lực giá (19/09/2005)
▪ Không trả lương qua tài khoản ở ngân hàng (19/09/2005)
▪ LOD đã đưa 20.000 người xuất khẩu lao động (19/09/2005)
▪ Phú Yên: Khởi công nhà máy ôtô 15.000 xe/năm (19/09/2005)
▪ Tiến độ xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ vẫn chậm (19/09/2005)
▪ "Cần có ngay giải pháp hạn chế tăng giá" (19/09/2005)
▪ Nhận định của các nhà chuyên môn về thị trường bất động sản (19/09/2005)
▪ Vụ côngtơ điện tử: Đàm Quốc Trung - tác giả của "tập đoàn gia đình" (19/09/2005)
▪ Toà tuyên: Đại hội hợp pháp (19/09/2005)
▪ Thị trường bất động sản: Con tàu sắp chìm (19/09/2005)